Các nhà khoa học vừa thông báo họ xác định được một hành tinh đá có đầy đủ những điều kiện cần thiết cho sự sống bên ngoài hệ Mặt Trời.

Gliese 581d, được phát hiện vào năm 2007, là một trong những hành tinh đá gần Thái Dương Hệ nhất. Nó cùng một số hành tinh khác xoay quanh Gliese 581 – một ngôi sao lùn đỏ cách trái đất khoảng 20 năm ánh sáng.




AFP cho biết, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã nghiên cứu Gliese 581d để xem nó có thể nuôi dưỡng sự sống hay không. Kết quả nghiên cứu của họ được công bố hôm qua. Nghiên cứu cho thấy Gliese 581d thuộc nhóm những hành tinh có khoảng cách vừa phải so với ngôi sao riêng. Khoảng cách đó không quá gần để nước bốc hơi hết, nhưng cũng không quá xa để nước đóng băng vĩnh viễn. Vì thế nước có thể tồn tại ở dạng lỏng trên bề mặt của Gliese 581d, một thực tế mà con người đang chứng kiến trên địa cầu.

“Với một bầu không khí đậm đặc chứa carbon dioxide (CO2), khí hậu của Gliese 581d chẳng những ổn định, mà còn đủ ấm để hành tinh này có các đại dương, mây và những cơn mưa”, CNRS tuyên bố.

Trên tạp chí The Astrophysical Journal Letters của Anh, nhóm nghiên cứu khẳng định Gliese 581d có khối lượng gấp ít nhất 7 lần trái đất, còn thể tích của nó gấp khoảng hai lần. Trong cùng một khoảng thời gian nó nhận được dưới một phần ba lượng bức xạ mà trái đất nhận từ mặt trời. Nhưng do CO2 chiếm tỷ lệ khá lớn trong bầu khí quyển nên Gliese 581d giữ được nhiệt mà nó nhận từ ngôi sao riêng, tạo điều kiện cho nước tồn tại ở thể lỏng trên bề mặt.

Rất có thể một phía của Gliese 581d luôn hướng về mặt trời, khiến ngày ngự trị vĩnh viễn trên một nửa hành tinh, còn ban đêm thống trị nửa kia mãi mãi. Vì bầu không khí dày đặc nên ánh sáng trên đó khá mờ và có màu đỏ.

Nhóm nghiên cứu nhận định rằng con người chỉ có thể tới được Gliese 581d nếu có một bước đột phá trong công nghệ sản xuất phi thuyền. Nếu một tàu vũ trụ di chuyển với tốc độ gần bằng ánh sáng thì nó sẽ phải bay trong khoảng 20 năm để tới Gliese 581d. Với trình độ công nghệ hiện tại, tàu vũ trụ tiên tiến nhất của loài người sẽ phải mất tới 300 nghìn năm để tới đó.

Giới thiên văn trên toàn thế giới phát hiện hơn 500 hành tinh xoay quanh ngôi sao từ năm 1995. Phần lớn chúng không thích hợp cho sự phát triển của sinh vật sống.

Một hành tinh có những điều kiện cần thiết đối với sự sống không có nghĩa là nó chắc chắn chứa sinh vật sống. Sao Hỏa là một ví dụ tiêu biểu. Ngay cả khi sinh vật sống tồn tại trên một hành tinh nào đó thì một khả năng khác vẫn có thể xảy ra: Chúng không phải là sinh vật có trí tuệ, mà chỉ là vi khuẩn, rêu, nấm hoặc một thứ gì đó mà con người không thể tưởng tượng.

Theo: vnexpress

Categories:

Leave a Reply