Một kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy nếu phụ nữ uống ít nhất một tách cà phê mỗi ngày thì có thể giúp giảm nguy cơ tai biến mạch máu não từ 20 đến 25% so với những người ít uống cà phê hơn.

Đây là kết quả nghiên cứu của nhà khoa học người Thụy Điển Susanna Larsson. Trong vòng 10 năm qua, bà đã tiến hành nghiên cứu trên 36.500 phụ nữ ở độ tuổi từ 49 đến 83 để tìm ra mối liên hệ giữa cà phê và chứng tai biến mạch máu não.

Nhà khoa học này đã tập trung nghiên cứu đối với 1.680 bệnh nhân nữ bị tai biến mạch máu não và nhận thấy rằng các bệnh nhân bị tai biến mạch máu não bất thường đều không có thói quen uống cà phê mỗi ngày.

Nếu lỡ tay làm vỡ mật khi làm cá, bạn có thể áp dụng một vài bí quyết để vị đắng của mật không làm hỏng món ăn.

Bạn hẳn sẽ làm bố mẹ chồng nhăn mặt khi đặt lên bàn đĩa cá hấp thơm lừng, hấp dẫn nhưng khi các cụ nếm thử lại thấy đắng ngắt vì mật cá đã bị vỡ khi bạn (hoặc người bán) làm cá. Một chút mật cá dính vào món ăn tuy không đủ lượng độc tố để gây hại sức khỏe nhưng lại quá thừa để làm bữa ăn trở nên vô duyên. Vì thế, bạn hãy thật cẩn thận khi làm cá để lấy gọn túi mật ra, hoặc nếu nhờ người bán mổ cả thì hãy lưu ý họ về điều này, và để mắt kỹ một chút kẻo có thể mật cá vỡ rồi mà bạn không biết.

Nếu không may mật cá bị vỡ rồi thì phải chữa cháy thôi. Hãy xử lý càng sớm càng tốt để mật cá không có thời gian ngấm vào thịt. Hãy rửa chỗ cá đó thật kỹ dưới vòi nước chảy.

Độ đắng của từng loại cá khác nhau. Có loại mật không đắng lắm, chỉ cần rửa bằng nước là hết, nhưng cũng có loại rất đắng, dù có rửa đi rửa lại vẫn không hết. Vì vậy để "chắc ăn", bạn có thể áp dụng thêm một số biện pháp khác, như:

- Bôi một ít rượu trắng lên cá, để một lát rồi rửa kỹ lại

- Bôi một ít bột carbonat natri (NaHCO3) lên phần cá dính mật, để một lát rồi rửa.

- Rửa hết mật cá bằng giấm.

Trẻ em cần ăn nhiều cá để phát triển não và dây thần kinh. “Trước hết, trẻ sơ sinh cần bổ sung nhiều a-xít béo omega-3 trong cá để não, dây thần kinh và mắt phát triển, và khi trẻ chuyển từ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức sang ăn dặm”, chuyên gia dinh dưỡng Susan Brewer thuộc Đại học Illinois (Mỹ) nói.

Báo The Times of India dẫn lời bà Brewer cho biết thêm: “Sau đó, trẻ hình thành sở thích ăn loại thực phẩm gì khi lên 5 tuổi, vì thế cha mẹ nên giúp trẻ tạo thói quen ăn hải sản ngay từ sớm”. Các loại cá giàu a-xít béo omega-3 như cá hồi còn có tác dụng ngừa bệnh tim mạch. Và người lớn cần ăn ít nhất 2 khẩu phần cá mỗi ngày, theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng.

Những ai lớn lên từ đồng quê dân dã chắc khó thể nào quên trò chọi dế (có vùng gọi là đá dế).

Dế là một trong những “ca sĩ đồng quê” từng hòa âm trong giàn giao hưởng bên cạnh chẫu chàng, ễnh ương, ếch ộp… Dế có mặt hầu khắp trên những vùng quê, nhiều nhất là ở vùng biền bãi hay những khu vườn xanh nõn luống cải, khóm rau. Như tuổi thơ tôi dầu dãi bên những bãi bồi ven sông Vĩnh Điện, một nhánh Thu Bồn chảy ra Hàn, đã đắm mình trong những trò đá dế, hay bắt dế về rang cháy thơm trong bao mùa lụt lội.

Bắt dế để ăn, chẳng phải lựa gì. Mùa nước lụt, nước vừa xiêm xiếp liếm lên bãi bồi, bọn trẻ trong làng đã gọi nhau đi bắt dế. Chỉ cần nhìn thấy hang, lấy chân dậm thùng thình cách một quãng ngắn là một con dế phóng lên, chộp ngay. Rồi khi nước lụt tràn khắp bãi, dế rời hang bò dần lên những cây tre, cây keo, bâu kín những hàng rào chè tàu. Những con dế mèn ướt lướt thướt chỉ chờ tay người nhặt. Vài ba tiếng đồng hồ đã đủ để làm một bữa dế rang. Dế bắt về ngắt cánh, kéo ruột ra, rồi rang với chút dầu phụng thơm lừng, béo ngậy, ăn với cơm nóng trong mùa lũ lụt, lạnh chân vì dầm nước bạc, thật là món nhớ đời.

Muốn bắt dế để chọi thì khó hơn bởi công phu tìm kiếm cho ra dế cụ. Dế cụ đào hang nhiều ngõ ngách, đổ nước hay đào bắt phải mất hàng tiếng đồng hồ. Bắt được cụ dế mèn râu ria, vạm vỡ, bị cụ đá tanh tách vào tay mấy phát nhưng phải nâng niu giữ cho được cặp càng. Rồi lại kiếm cỏ non nhứ cho ăn, lấy sương cho uống, chăm sóc một con dế để đem chọi không khác người ta vỗ cho vận động viên đi đấu… si ghêm.

Sân chọi dế… nhỏ nhất thế giới. Đó là cái lỗ hình chữ nhật trên mặt đất, bề ngang chừng một lóng tay, dài hai lóng tay. Hai con dế thả vào đấy, chật chội, không đá nhau để giành chỗ mới là chuyện lạ. Lại đôi khi bị cọng cỏ quất vào đít, khiến cu cậu thiếu kiềm chế tưởng đối phương tấn công, liền phản đòn. Những cú đá hậu tanh tách có thể xé nát cánh, làm gãy càng đối thủ, và xúm xít những mái đầu trẻ thơ chổng khu lên xem cổ vũ cuồng nhiệt. Một võ sĩ dế đá mấy lượt thì phế võ công cũng bởi sức tàn lực kiệt.

Xa rồi những năm tháng trẻ thơ, những bãi biền Vu Gia, Thu Bồn đã bao mùa xanh cây mà mùi thơm nồng từ chảo dế rang, tiếng dế đá tanh tách vẫn như còn vẳng mãi trong lòng tôi. Trò đá dế, cách chơi dân dã ấy giờ còn mấy trẻ thơ đi tìm? Lục trong sách cũ chợt thấy thiên truyện “Chọi dế” chiếm một góc “Liêu trai chí dị” của Bồ Tùng Linh, thoảng chút ngậm ngùi. Đồng quê ơi, có ai bây giờ như những phi tần đời Đường được tuyển lựa vào cung, đem theo những con dế trong chiếc lồng nhỏ bằng vàng đặt bên gối để nghe tiếng dế nỉ non mà nhớ về nơi thôn dã?...

Chọi gà là trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa truyền thống ở Việt Nam và một số quốc gia châu Á khác. Ở Việt Nam, mùa chọi gà bắt đầu từ tháng Chạp âm lịch và kéo dài đến tháng tư, đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Đán. Các cuộc thi chọi gà thường trở thành những ngày hội. Các làng, xã có gà tham gia thi đều mong muốn gà của làng, xã mình chiến thắng để mang lộc lại cho cả năm.

Thú chơi cũng lắm công phu

Không ai biết nghề nuôi và chơi gà chọi có từ bao giờ, nhưng giới nuôi và chơi gà chọi ở Hải Phòng lưu truyền một giai thoại về nghề. Chuyện kể, trước kia, làng Văn Cú (xã Lê Lợi, huyện An Dương) nổi tiếng với nghề nuôi và chơi gà chọi. Theo các bậc cao tuổi, có lẽ do đất làng có hình dáng con gà chọi nên nơi đây luôn sản sinh ra những con gà, chọi đâu thắng đó. Cách đây 30 năm, khi làm đường cắt qua vùng đất hình cổ gà, “long mạch” về nghề bị cắt, do vậy làng không còn nuôi được những con gà tài chọi kỳ tài. Từ đó, nghề nuôi và chơi gà chọi “phát” sang tổng Đại Trà (gồm 4 thôn: Lạng Côn, Đại Trà, Đức Phong, Phong Cầu thuộc hai xã Đại Đồng và Đông Phương (Kiến Thụy).

Ở tổng Đại Trà, dân nuôi, chơi và thích xem gà chọi biết đến ông Dụ “ô”(Phong Cầu, Đại Đồng,Kiến Thụy), nổi tiếng bởi từng “đúc” được một con gà ô kỳ tài, chọi đâu thắng đó. Ông cho biết, nghề nuôi và chơi gà chọi rất lắm công phu, nhưng cái chính là phải có tình yêu và lòng đam mê, bởi nuôi gà chọi rất kỳ công, từ việc chọn giống đến chăm sóc và đưa gà ra sới chọi. Chăm gà chọi cũng giống như chăm chút đứa con của mình. Ngoài ra, người nuôi và chơi gà chọi còn phải biết cách xem tướng gà để có thể chọn được những con gà hay, gà tài.

Người nuôi gà chọi coi trọng việc tìm “tông mác” (chọn giống) gà, bởi gà bố mẹ hay, giỏi mới có thể sản sinh ra những con gà nòi. Dân chơi gà chọi thường truyền nhau câu thơ về việc chọn gà giống: “Đầu công, mình cốc, cánh vỏ trai/ Đùi dài, quản ngắn chẳng sợ ai”. Chọn gà, trước tiên căn cứ vào bộ lông- “nhất giáp”: lông dày, dài và mượt. Gà phải cao, dài; vẩy móng chân phải to đều, ngón khô, móng bẹ (to); cần cổ gà phải đều, đặc, tròn; mỏ phải to, dài và thẳng. Gà phải có vành mí mắt dày, con ngươi tròn bé (độ gan lì). Chọn được một con gà có những đặc tính trên rất khó n. Dân nuôi gà chọi phải đi nhiều nơi tìm giống gà. Gà đất thép Tuy Hòa (Bình Định) rất được ưa chuộng. Thậm chí, có khi phải nhập gà từ Thái Lan, Hồng Kông…về với giá cao.

Chọn được gà có tướng quý đã khó, nhưng chăm sóc để thành gà chọi hay càng khó. Hằng ngày, phải cho gà ăn đủ 2 bữa thóc tẻ, 3 đến 5 ngày phải cho gà ăn vài miếng lươn, ếch, nhái... Luôn phải trông chừng để gà tránh nhiễm bệnh, tránh rét vào mùa đông và tránh nóng vào mùa hè. Khi gà được một năm tuổi, bắt đầu cho luyện tập. Quá trình luyện tập thường kéo dài 2 tháng- dân trong nghề gọi là “vần”. Trong khoảng thời gian khoảng 1 tuần đến 10 ngày, cho gà chọi thử với gà khác, sau đó, cho gà nghỉ 3 -4 ngày. Sau khi cho chọi thử, phải “om trườm” gà. Trước tiên, lấy các loại lá thảo dược cho vào nấu sôi, sau đó nhúng khăn vào nước lá, vắt khô, để khăn đủ ấm và đắp khăn cho gà, đặc biệt là những chỗ bị đau. Om trườm gà nhằm mục đích làm chai cứng phần da, tan vết thương và làm cho gà dẻo gân. Gà trải qua 4 lần vần, 4 lần om trườm có thể đưa ra “sới” chọi.

Chọi gà-thể hiện tinh thần thượng võ

Để đưa gà ra “sới”, không phải cứ có gà là tham gia được. Người tổ chức thi chọi phải biết cách “ghép gà” (sắp xếp những con đồng cân đồng lạng chọi với nhau). Hai con gà chọi vào sới phải cùng cân, cao bằng nhau và cựa cũng phải dài bằng nhau. Nếu chênh lệch, con gà nào hơn phải “chấp”. Nếu hơn 0,1 kg phải chấp 10 phút bịt mỏ, hơn 1 thành chiều cao (1cm, tính bằng cách so vai) chấp 10 phút bịt mỏ, cựa chênh lệnh (về độ dài, to) hai chủ gà sẽ thỏa thuận quấn băng, vải thêm. Mục đích của việc “ghép gà” và tính “chấp” là bảo đảm công bằng, bởi đối với gà đem ra chọi, “nhất khỏe, nhì tài”. Con nào khỏe hơn, có ưu thế về chiều cao, cân nặng, cựa, sẽ có nhiều khả năng thắng hơn. Nhưng có nhiều trường hợp, những con gà thấp hơn, nhẹ cân hơn nhưng nhờ có lối đánh khôn ngoan nên giành chiến thắng. Một trận chọi gà thường kéo dài trong 9 “hồ”, mỗi hồ 15 phút, nghỉ giữa “hồ” 5 phút. Mỗi trận đấu, chủ gà duy nhất được “vay” thêm 5 phút cho gà nghỉ ngơi và chữa trị khi gà bị đau. Gà bị tính thua khi bỏ chạy (miệng kêu, chân chạy) hoặc chủ gà bế gà lên xin thua. Nhiều trường hợp, do trúng đòn quá nặng, gà chết ngay trong sới.

Ông Chiệc nổi tiếng về nuôi gà chọi ở thôn Đại Trà, xã Đông Phương (Kiến Thụy) cho biết, những người chơi gà chọi coi 2 con gà đá nhau như những người thi đấu võ. Những miếng đánh hiểm, những trận đấu hay và những con gà được coi là “thần kê” đã đi vào “huyền thoại”, được dân trong nghề lưu truyền, ca tụng. Ông còn cho biết, giới nuôi và chơi gà chọi trong cả nước đều biết tiếng gà chọi Đại Trà, bởi ở đây nuôi được nhiều con gà có lối đánh hay “giỏi về đôi chân, lối thế đánh khôn ngoan như dân nhà võ”. Ông Chiệc tâm sự, người nuôi gà chọi cả đời chỉ cần “đúc” được một con gà tài, đi đâu cũng được nhắc đến là mãn nguyện rồi. Vì thế, bây giờ, nhiều người gọi ông là “Chiệc xám”, bởi trước đây ông nuôi được con gà chọi xám, nổi tiếng khắp hàng tổng, hàng tỉnh về độ lì và lối đánh khôn ngoan. Ở tổng Đại Trà cũng như nhiều nơi trong nước, nhà nhà nuôi gà chọi, người người chơi và thích xem chọi gà. Tất cả đều xuất phát từ sự say mê với những trận đấu hay, những đòn thế đẹp. Ở trong vùng, ai cũng nhớ cụ Nhiên ngày còn sống, dù già yếu, khi nghe tin ở đâu có chọi gà là cụ chống gậy đến tận nơi xem. Khi ốm nặng, nằm trên giườngm cụ nói với con cháu, hàng xóm, chỉ muốn khỏe để được xem chọi gà, thế là vui lắm rồi.

Chọi gà là nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trải qua gần 1000 năm, thú vui này còn được lưu truyền đến ngày nay là bởi có những người yêu nghề và đam mê thú chơi gà chọi như ông Dụ, ông Chiên, cụ Nhiên…Tuy nhiên, gần đây, nhiều người biến trò chơi dân gian này thành trò cá độ ăn tiền, do vậy mà những nguời nuôi và chơi gà chọi vì sự đam mê cũng buồn lòng. Nên chăng, các cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với việc tổ chức chọi gà, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp tổ chức đá gà để cá độ ăn tiền. Các địa phương nên tổ chức các cuộc thi và trao giải định kỳ, thành lập các câu lạc bộ và tăng cường giao lưu để người yêu và say mê thú chơi gà chọi rộng mở "đất" chơi. Như vậy, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp này mới có thể được bảo lưu, gìn giữ.

Ô ăn quan, hay còn gọi tắt là ăn quan là một trò chơi dân gian của trẻ em người Kinh, Việt Nam mà chủ yếu là các bé gái. Đây là trò chơi có tính chất chiến thuật thường dành cho hai người chơi và có thể sử dụng các vật liệu đa dạng, dễ kiếm để chuẩn bị cho trò chơi.


Hiện chưa rõ nguồn gốc cũng như thời điểm bắt đầu nhưng chắc chắn rằng Ô ăn quan đã có ở Việt Nam từ rất lâu đời. Những câu truyện lưu truyền về Mạc Hiển Tích (chưa rõ năm sinh, năm mất), đỗ Trạng nguyên năm 1086 nói rằng ông đã có một tác phẩm bàn về các phép tính trong trò chơi Ô ăn quan và đề cập đến số ẩn (số âm) của ô trống xuất hiện trong khi chơi. Ô ăn quan đã từng phổ biến ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt nam nhưng những năm gần đây chỉ còn được rất ít trẻ em chơi. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có trưng bày, giới thiệu và hướng dẫn trò chơi này.

Theo các nhà nghiên cứu, ô ăn quan thuộc họ trò chơi mancala, tiếng Ả Rập là manqala hoặc minqala (khi phát âm, trọng âm rơi vào âm tiết đầu ở Syria và âm tiết thứ hai ở Ai Cập) có nguồn gốc từ động từ naqala có nghĩa là di chuyển. Bàn chơi mancala đã hiện diện ở Ai Cập từ thời kỳ Đế chế (khoảng 1580 - 1150 TCN). Tuy nhiên còn một khoảng trống giữa lần xuất hiện này với sự tồn tại của mancala ở Ceylon (Srilanka) những năm đầu Công nguyên và ở Ả Rập trước thời Muhammad. Tuy nhiên có những dấu hiệu để nhận định rằng một số dạng mancala lan truyền từ phía Nam Ả Rập hoặc vùng cực Nam của biển Đỏ qua eo biển Bab El Mandeb sang bờ đối diện thuộc châu Phi rồi từ đó xâm nhập lục địa này. Trong những giai đoạn sau, các tín đồ Hồi giáo đã phổ biến mancala sang những miền đất khác cùng với sự mở rộng của tôn giáo và văn hoá.

Cách chơi :

Chuẩn bị

Bàn chơi: bàn chơi Ô ăn quan kẻ trên một mặt bằng tương đối phẳng có kích thước linh hoạt miễn là có thể chia ra đủ số ô cần thiết để chứa quân đồng thời không quá lớn để thuận tiện cho việc di chuyển quân, vì thế có thể được tạo ra trên nền đất, vỉa hè, trên miếng gỗ phẳng.... Bàn chơi được kẻ thành một hình chữ nhật rồi chia hình chữ nhật đó thành mười ô vuông, mỗi bên có năm ô đối xứng nhau. Ở hai cạnh ngắn hơn của hình chữ nhật, kẻ hai ô hình bán nguyệt hoặc hình vòng cung hướng ra phía ngoài. Các ô hình vuông gọi là ô dân còn hai ô hình bán nguyệt hoặc vòng cung gọi là ô quan.

Quân chơi: gồm hai loại quan và dân, được làm hoặc thu thập từ nhiều chất liệu có hình thể ổn định, kích thước vừa phải để người chơi có thể cầm, nắm nhiều quân bằng một bàn tay khi chơi và trọng lượng hợp lý để khỏi bị ảnh hưởng của gió. Quan có kích thước lớn hơn dân đáng kể cho dễ phân biệt với nhau. Quân chơi có thể là những viên sỏi, gạch, đá, hạt của một số loại quả... hoặc được sản xuất công nghiệp từ vật liệu cứng mà phổ biến là nhựa. Số lượng quanluôn là 2 còn dân có số lượng tùy theo luật chơi nhưng phổ biến nhất là 50.

Bố trí quân chơi: quan được đặt trong hai ô hình bán nguyệt hoặc cánh cung, mỗi ô một quân,dân được bố trí vào các ô vuông với số quân đều nhau, mỗi ô 5 dân. Trường hợp không muốn hoặc không thể tìm kiếm được quan phù hợp thì có thể thay quan bằng cách đặt số lượng dânquy đổi vào ô quan.

Người chơi: thường gồm hai người chơi, mỗi người ngồi ở phía ngoài cạnh dài hơn của hình chữ nhật và những ô vuông bên nào thuộc quyền kiểm soát của người chơi ngồi bên đó.

Luật chơi

Mục tiêu cần đạt được để giành chiến thắng: người thắng cuộc trong trò chơi này là người mà khi cuộc chơi kết thúc có tổng số dân quy đổi nhiều hơn. Tùy theo luật chơi từng địa phương hoặc thỏa thuận giữa hai người chơi nhưng phổ biến là 1 quan được quy đổi bằng 10 dânhoặc 5 dân.

Di chuyển quân: từng người chơi khi đến lượt của mình sẽ di chuyển dân theo phương án để có thể ăn được càng nhiềudân và quan hơn đối phương càng tốt. Người thực hiện lượt đi đầu tiên thường được xác định bằng cách oẳn tù tì hay thỏa thuận. Khi đến lượt, người chơi sẽ dùng tất cả số quân trong một ô có quân bất kỳ do người đó chọn trong số 5 ô vuông thuộc quyền kiểm soát của mình để lần lượt rải vào các ô, mỗi ô 1 quân, bắt đầu từ ô gần nhất và có thể rải ngược hay xuôi chiều kim đồng hồ tùy ý. Khi rải hết quân cuối cùng, tùy tình huống mà người chơi sẽ phải xử lý tiếp như sau:

Nếu liền sau đó là một ô vuông có chứa quân thì tiếp tục dùng tất cả số quân đó để rải tiếp theo chiều đã chọn.

• Nếu liền sau đó là một ô trống (không phân biệt ô quan hay ô dân) rồi đến một ô có chứa quân thì người chơi sẽ đượcăn tất cả số quân trong ô đó. Số quân bịăn sẽ được loại ra khỏi bàn chơi để người chơi tính điểm khi kết thúc. Nếu liền sau ô có quân đã bị ăn lại là một ô trống rồi đến một ô có quân nữa thì người chơi có quyền ăn tiếp cả quân ở ô này... Do đó trong cuộc chơi có thể có phương án rải quân làm cho người chơi ăn hết toàn bộ số quân trên bàn chơi chỉ trong một lượt đi của mình. Trường hợp liền sau ô đã bị ăn lại là một ô vuông chứa quân thì người chơi lại tiếp tục được dùng số quân đó để rải. Một ô có nhiều dân thường được trẻ em gọi là ônhà giàu, rất nhiều dân thì gọi là giàu sụ. Người chơi có thể bằng kinh nghiệm hoặc tính toán phương án nhằm nuôi ônhà giàu rồi mới ăn để được nhiều điểm và có cảm giác thích thú.

Nếu liền sau đó là ô quan có chứa quân hoặc 2 ô trống trở lên thì người chơi bị mất lượt và quyền đi tiếp thuộc về đối phương.

• Trường hợp đến lượt đi nhưng cả 5 ô vuông thuộc quyền kiểm soát của người chơi đều không có dân thì người đó sẽ phải dùng 5 dân đã ăn được của mình để đặt vào mỗi ô 1 dân để có thể thực hiện việc di chuyển quân. Nếu người chơi không đủ 5 dân thì phải vay của đối phương và trả lại khi tính điểm.

Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ dân và quan ở hai ô quan đã bị ăn hết. Trường hợp hai ô quanđã bị ăn hết nhưng vẫn còn dân thì quân trong những hình vuông phía bên nào coi như thuộc về người chơi bên ấy; tình huống này được gọi là hết quan, tàn dân, thu quân, kéo về hay hết quan, tàn dân, thu quân, bán ruộng. Ô quan có ít dân (có số dân nhỏ hơn 5 phổ biến được coi là ít) gọi là quan non và để cuộc chơi không bị kết thúc sớm cho tăng phần thú vị, luật chơi có thể quy định không được ăn quan non, nếu rơi vào tình huống đó sẽ bị mất lượt.

Đồng dao

Trong cách chơi truyền thống có sử dụng một số bài đồng dao, dưới đây là một bài trong số đó:

Hàng trầu hàng cau
Là hàng con gái
Hàng bánh hàng trái
Là hàng bà già
Hàng hương hàng hoa
Là hàng cúng Phật.

Biến thể

Trò chơi có một số biến thể sau:

• Số dân ở mỗi ô vuông là 10 và/hoặc ở ô quan ngoài quan còn có thêm 20 hay 30 dân.

• Khi quân cuối cùng đã được rải xuống, nếu ô liền sau đó là ô quan thì người chơi cũng mất lượt ngay dù ô đó có chứa quân hay không.

• Khi đến lượt đi người chơi có thể tính toán phương án đi của mình trong một khoảng thời gian hợp lý hoặc phải đi ngay mà không được phép tính toán.

Ô ăn quan cho nhiều hơn hai người chơi

Ô ăn quan cũng có thể được chơi với 3 hoặc 4 người chơi trong đó cách di chuyển quân, thể thức tính điểm cũng giống như khi chơi hai người nhưng bàn chơi được thiết kế khác đi cho phù hợp

• Bàn chơi cho 3 người: có hình tam giác đều với 3 ô quan ở 3 đỉnh của tam giác, ở mỗi cạnh kẻ 5 ô vuông để làm ô dân. Người chơi ngồi ở phía cạnh tam giác có các ô dân thuộc quyền kiểm soát của mình.


Bàn chơi cho 4 người: có hình vuông với 4 ô quan ở 4 góc vuông, các ô dân hình vuông kẻ ở 4 cạnh, mỗi cạnh 5 ô. Người chơi ngồi ở phía cạnh hình vuông có những ô dân thuộc quyền kiểm soát của mình.

Họ và tên khai sinh: Phan Ngọc Hiển, sinh năm 1910; bút danh khác: Phan Phan; quê quán: Phường Cái Khế, TP.Cần Thơ; đảng viên ĐCSVN.

Là một học sinh yêu nước - một thầy giáo - nhà báo - nhà hoạt động chính trị, Phan Ngọc Hiển trong khoảng thời gian mười năm đã làm nên những điều kỳ diệu, để đời, nổi bật hai sự kiện lớn:

Hưởng ứng Nam Kỳ khởi nghĩa, Phan Ngọc Hiển trực tiếp tổ chức, lãnh đạo đánh chiếm đảo Hòn Khoai từ tay giặc Pháp ngày 13/12/1940. Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi trở về đất liền, Phan Ngọc Hiển và 9 đồng đội bị thực dân Pháp bắt rồi sau đó đưa ra pháp trường xử bắn. Trước pháp trường giữa lòng thị xã Cà Mau, Phan Ngọc Hiển hiên ngang vứt mảng khăn đen trên mặt, đả đảo thực dân Pháp xâm lược, kêu gọi đồng bào tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, tỏ rõ khí phách của một đảng viên Đảng cộng sản (Phan Ngọc Hiển hy sinh ngày 12/7/1941 tại thị xã Cà Mau).

Phan Ngọc Hiển đã để lại nhiều công trình báo chí, văn học có giá trị, hiện đã tập hợp khoảng 70 tác phẩm thuộc thể loại báo chí, văn học trên Tuần báo Tân Tiến (một tờ báo trong vùng địch tạm chiếm), phát hành vào những năm 1936, 1937, trong đó có khoảng 20 bút ký, phóng sự, tùy bút, tiểu thuyết (Theo “Tác phẩm Phan Ngọc Hiển” do NXB Mũi Cà Mau và Hội Nhà báo tỉnh Minh Hải ấn hành năm 1996).

Trên lĩnh vực văn học, phần lớn các tác phẩm của Phan Ngọc Hiển là văn xuôi, tác phẩm đã được xuất bản: Tiểu thuyết Mương đào ổ yến; những bút ký, phóng sự, truyện ngắn: Đêm ở kinh đô Hậu Giang, Trên sông lao động, Ông Gát-đen-quan một, Đêm kỷ niệm, Thuyền ngược nước, Thằng Đại, Hồn bơ vơ, Tình quê...

Xin trích đăng truyện ngắn Hồn bơ vơ, đoạn viết về một người vợ (cô Mai) đi tìm chồng, gặp một ông già tốt bụng trên đảo Hòn Khoai, Cà Mau.

HỒN BƠ VƠ

... Mai nhìn lão già như để tìm chơn tướng. Khi nhận được lời nói nhơn từ, nghiêm chỉnh, Mai bèn trả lời mềm dịu:

- Thưa bác, có lời bác dạy bảo, mẹ con cháu mới dám đùm đậu đêm nay.

Thức tỉnh con dậy, cả ba nương ánh đèn chai về bãi.

Nhà lão già đơn sơ mà thật sạch sẽ. Lão lăng xăng dọn dẹp chỗ cho mẹ con Mai nghỉ ngơi.

- Cô ở đâu đến? Và đến đây có ý tìm ai?

Mủi lòng, động vết thương tâm, Mai đã ràn rụa nước mắt. Bấy giờ, bộn bàn người lân cận tựu đến. Mai bệu bạo:

- Cháu chẳng giấu gì bác, cách tám năm về trước, chồng cháu ra đây làm cái đường lên chót Hòn, chẳng hiểu tại sao càng ngày càng biệt, nên cháu dẫn con không ngại nhọc nhằn ra đây tìm chồng!

Lão già dòm Mai ra vẻ tội nghiệp, rồi lão kêu “Trời ơi” rất lớn, làm mọi người chưng hửng. Rồi tự nhiên lão đứng giữa nhà khóc rống lên! Cả mọi người càng ngạc nhiên, nhứt là Mai lấy làm lạ lắm. Hết khóc, lão lại bàn thờ thắp ba cây nhang, đoạn lão tiếp:

- Thôi rồi cô ơi! Còn gì! Chồng cô chắc chết rồi!

Mai rú lên tiếng “trời” thứ nhì, ôm mặt khóc mùi mẫn. Ôi! Cảnh khốn nạn! Động đến trời nên u ám, kế mưa to nước xuống xối xả như đua chảy với mấy chục hàng lệ thương tâm! Chim đêm trên rừng kêu lăng líu, tứ bề gió thổi hãi hùng như điên dại, như tức tối .. rồi trơ giọng thảnh thót như đau thương, rồi dìu dịu reo như khuyên dỗi...

(Tác phẩm Phan Ngọc Hiển – NXB Mũi Cà Mau – Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau, năm 1996, trang 196).

Làng Bạch Hạc, (nay thuộc tỉnh Phú Thọ) hàng năm mở hai kỳ hội Xuân, kỳ đầu từ mồng 3 đến hết mồng 5 tháng giêng, kỳ sau từ mồng 10 đến 13 tháng ba.
Bạch Hạc chính là Phong Châu, kinh đô nước Văn lang đời Hùng Vương.

Hùng Vương đô ở Châu Phong
Ấy nơi Bạch Hạc, hợp dòng Thao Giang.
Đặt tên là nước Văn Lang,
Chia mười lăm bộ bản chương cũng liền.

(Đại Nam quốc sử diễn ca)


Bạch Hạc nằm bên tả ngạn sông Lô, theo danh từ địa phương còn gọi là sông Thao, trông sang thành phố Việt Trì. Muốn tới Bạch Hạc, du khách hoặc dùng xe lửa, đường hà Nội đi Lào Cai, đến ga Bạch Hạc, cách Hà Nội chừng bảy chục cây số, xe lửa sẽ ngừng nơi đây trước khi đi qua cầu sông lô để sang Việt Trì, hoặc du khách có thể đi theo đường bộ, quốc lộ số 2 đường hà Nội đi Tuyên Quang, Hà Giang, thẳng tới Bạch hạc, quốc lộ số 2 cũng đi qua cầu Việt Trì trên sông Lô như đường sắt.

Đình làng Bạch Hạc trông thẳng ra sông Lô, trên một khu đất cao vừa trang nghiêm vừa thanh tịnh. Nơi đây thờ Thổ Lệnh đại vương, một vị thiên tướng đã xuất hiện xuống đất Phong Châu vào đời nhà Đường.

Thần tích ghi rằng về đời Đường khi Lý Thường Minh làm Thứ sử Giao Châu, một hôm nhàn du đến đây ngắm phong cảnh, nằm mộng thấy từ trên trời bay xuống hai thiên tướng.

Hai thiên tướng này là hai anh em ruột. Lý Thường Minh mời hai vị thi tài, ai hơn sẽ ở lại hưởng hương khói của dân làng Bạch hạc. Đức Thổ lệnh đại vương là anh, bước một bước qua sông và một bước nữa thì lui về chỗ cũ. Ngài bước mạnh đến nỗi in hằn vết chân lên một tảng đá, nơi đây khi hàng năm trong kỳ hội tháng ba có cuộc đua thuyền, thuyền bắt đầu khởi hành.

Theo lời dân chúng, ở bên kia sông cũng có một vết chân như vậy, nhưng vì lâu năm bị đất phù sa che lấp đi. Tảng đá về mé sông Bạch hạc, dân làng còn ghi được và cất giữ ở đình làng. Vết chân dài một thước, rộng năm tấc.

Em đức Thổ lệnh đại vương là đức Thạch Khanh đại vương được dân làng Thọ Sơn, huyện Hạc Trì tỉnh Phú Thọ thờ phụng.

Do sự liên hệ huynh đệ giữa hai vị thần linh, dân hai làng Bạch hạc và Thọ Sơn có tục giao hiếu với nhau trong những kỳ tế lễ hội hè của hai làng.

Hội Bạch hạc với hai kỳ tháng giêng và tháng ba mỗi năm, nhiều cổ tục được nhắc lại, nhưng đáng chú ý nhất, ở đây có cuộc thi thuyền trên sông Lô và tục cướp cầu. Còn những tục khác như chơi cờ bỏi, tế lễ thì cũng không khác gì ở những ngày hội xuân, hội Thu khác miền Bắc.

Tục cướp cầu diễn ra trong thời kỳ hội mồng ba tháng giêng. Đây là một thú vui đặc biệt của dân làng và hàng năm, trong ngày hội, dân chúng các xã lân cận đã kéo nhau tới đây rất đông để xem và đôi khi cũng tham dự cuộc cướp cầu.

Mỗi năm dân làng cử một người may bộ cầu để tung cho dân làng cướp trong dịp hội. Được cử may bộ cầu là một điều vinh dự trong dân xã, thường là hương chức trong làng. Bộ cầu gồm một quả cầu mẹ và tám quả cầu con. Mỗi quả cầu gồm một nắm bông bọc trong vải ngũ sắc có thêu chỉ mầu sặc sỡ. Một sợi chỉ được đính vào quả cầu, một đầu chỉ buộc vào một ngành tre. Mỗi quả cầu đều có dải buông thõng, dải hoặc khâu bằng lụa màu, hoặc kết bằng chỉ sặc sỡ.

Sáng ngày mồng ba Tết, dân làng tới nhà vị Hương chức được chỉ định may cầu để rước bộ cầu ra đình. Đám rước long trọng có cụ Tiên chỉ trong làng cầm hương, các nam nữ thanh niên đi theo, có phường bát âm cử nhạc điểm theo tiếng chiêng trống rất oai nghiêm. Chín mẹ con quả cầu bầy trên long đình do bốn thanh niên khiêng.

Rước tới đình, cả bộ cầu được kính cẩn đặt lên bàn thờ thay cho bộ cầu năm trước. Kế đó là lễ tế cầu. Tế cầu xong là cuộc tung cầu để dân làng và cả dân thiên hạ cùng chen nhau cướp.

Cầu tung từng ba quả một, mỗi lần tung đều do một vị hương chức hoặc một vị bô lão đảm nhiệm.

Đầu tiên là ông Tiên Chỉ, thời Pháp thuộc khi không có ông Tiên Chỉ, do ông niên trưởng trong làng, - tung quả cầu Mẹ và hai quả cầu Con. Vị này trước hết phải đọc một bài văn chúc, đại khái ca tụng phong cảnh của làng, dân phong và nhất là sự linh thiêng của Đức Thành Hoàng đã che chở cho dân được thịnh vượng, làng xã được yên bình. Sau bài văn chúc ba cành tre được giơ cao theo nhịp trống thờ. Khi tiếng trống dứt, dân làng hò reo ầm ĩ. Dứt hồi hò reo, vị Tiên Chỉ lại đọc một bài văn chúc thứ hai cầu cho dân chúng trong xã gặp được mọi sự tốt lành. Tiếp theo bài văn chúc thứ hai lại là một hồi trống và một loạt hò reo ầm ĩ.

Sau đó vị Tiên Chỉ hoặc niên trưởng tháo ba quả cầu buộc ở ngành tre ra, buộc lại với nhau làm một rồi tung lên để dân chúng xô nhau cướp. Bộ ba quả cầu không kịp rớt xuống đất đã có người đỡ, nhưng liền đó, người đỡ được ba quả cầu lại bị người khác chen đẩy giằng mất. Họ xô lấn nhau, họ chen chúc nhau, họ cười, họ gọi nhau ơi ới, người này ngã, người kia reo, cho đến khi một người nắm chặt được bộ cầu, sự ồ ạt mới ngừng.

Sáu quả cầu sau đó do hai vị chức sắc hoặc bô lão khác mỗi người tung ba quả, nhưng lần này, không còn hai bài văn chúc, chỉ có trống đánh nhịp và mọi người hò reo.

Mọi người lại xô đẩy chen lấn nhau như lần thứ nhất. Họ tin rằng cướp được quả cầu sẽ gặp may mắn. Họ tranh nhau rất hăng hái, đàn ông, đàn bà, thanh niên nam nữ đều dự cuộc, không phân biệt người thân kẻ lạ, người gần kẻ xa, người sang kẻ hèn.

Cướp được cầu, dù một quả hay bộ ba quả, có thể đem về nhà làm kỷ niệm, hoặc để thờ tại đình. Thường thường dân làng Bạch Hạc, cướp được cầu, họ vẫn mang tới đình để thờ cho tới năm sau.

Tục cướp cầu, tuy chỉ là một cổ tục cử hành hàng năm theo nghi thức cổ truyền, nhưng đây chính là một cổ tục đề cao tinh thần thượng võ, chứng tỏ người dân Việt Nam luôn luôn sẵn sàng bất khuất nó đã khiến dân tộc Việt Nam được tự chủ với bốn nghìn năm lịch sử.

Cuộc thi thuyền hàng năm làng Bạch hạc tổ chức vào ngày rã đám trong kỳ hội từ mồng Mười đến Mười Ba tháng ba, tổ chức n_ trên dòng sông Lô để dân xã và khách trẩy hội từ thập phương tới có thể đứng hai bên bờ sông dự xem.

Làng có bốn giáp: Bộ Đầu, Tiểu Hạc, Đông Nam và Thần Chúc. Mỗi giáp có một chiếc trải dài bằng gỗ chò, dài hơn hai chục thước, rộng chừng thước rưỡi, đóng bằng nguyên cả cây gỗ theo chiều dài. Chiếc trải có năm chục bơi chèo ở hai bên; đầu trải uốn thành rồng và đuôi trải cũng lượn khúc như đuôi rồng.

Để dự cuộc bơi trải các giáp đều kén những dân đinh khoẻ mạnh sung vào những tay bơi, mỗi giáp năm chục người cho chiếc trải, nhưng giáp nào cũng kén một số người dự khuyết. Ngoài những tay bơi, mỗi giáp còn phải kén ba người, ba người này thường là các bậc đàn anh trong giáp, một người đứng đầu thuyền cầm cờ hiệu, một người đứng giữa gõ một chiếc trống khẩu để giữ nhịp cho những tay chèo, và ở cuối thuyền, một người ngồi cầm lái. Mỗi bên mạn thuyền là hai mươi lăm tay chèo, đây là những tay trai lực lưỡng đã được hàng giáp lựa chọn, và đã có luyện tập cùng với ba vị đàn anh điều khiển chiếc trải. Trong lúc bơi, họ vừa chèo vừa hò reo.

Người đứng đầu thuyền cầm cờ hiệu, và đồng thời cầm trịch cho chiếc thuyền bơi. Người này trước hết phải luôn luôn đứng cho cân, tự giữ lấy thăng bằng, đừng vì mình mà thuyền thiên lệch, gây khó khăn cho các tay bơi. Đứng trên thuyền cho vững, mặc con thuyền lao đi vun vút trên mặt nước theo đà các tay chèo, trong khi đó lại phải cầm trịch cho chiếc trải, dùng cờ hiệu phất cho chiếc trải hoặc đi thẳng, hoặc tiến trái, hoặc tiến phải, hoặc vòng theo một độ nào để quay đầu trở lại, quả không phải là một việc dễ dàng. Chỉ cần một chút sơ ý có thể ngã lao xuống nước trong khi chiếc trải vẫn vun vút bơi đi.

Người cầm trống khẩu đứng giữa thuyền cũng phải giữ mình cho cân, cho khỏi ngã như người cầm trịch, và tiếng trống phải sao cho đều để khỏi lạc tay chèo những người đang bơi.

Người cầm lái đứng ở cuối, cầm cả vận mệnh của chiếc trải trong tay, trải đi nhanh hay chậm là do nhiệm vụ người cầm lái. Phải giữ lái cho trải đi thẳng, phải lựa tránh những chiếc trải khác mà vẫn vượt lên đầu. Lại còn lúc quay, khi lượn, phải lựa cho thuyền theo lái. Với từng ấy khó khăn, người cầm lái lại phải đứng cho vững, cho cân trên cuối thuyền, nếu vô ý ngã xuống sông, chiếc trải không lái sẽ bơi ngang bơi ngửa...

Người cầm lái phải luôn luôn để ý tới người cầm trịch, theo hiệu của người cầm trịch lái chiếc trải.

Năm chục tay chèo, đã ngồi xuống chiếc trải, phải chú ý hết đến việc bơi, tai phải nghe tiếng trống, tay phải bơi cho đều đều, đừng sai nhịp với bạn cùng bơi. Một tay chèo bơi sai nhịp, có thể gây rối loạn cho ba bốn tay chèo khác, có khi cho cả một mé chiếc trải.

Thật là khó khăn! Do đó phải có sự luyện tập hàng tháng trước.

Lúc xuống bơi trải, các tay chèo đều mình trần trùng trục mỗi người chỉ vận một chiếc khố, mỗi bọn một mầu khố đều nhau, trông thật đẹp, nhất là khi, mỗi hàng đoàn họ dắt nhau xuống từng chiếc trải trước cuộc bơi, trông họ với thân hình nở nang, bắp tay rắn chắc, có thể ví họ như những bức tượng đồng lực sĩ.

Lúc cuộc thi bắt đầu, bốn chiếc trải xếp hàng đều nhau ở n_ trước cửa đình làng. thật là một cảnh nhộn nhịp cho người xem và cả cho người dự cuộc. Dân giáp nào cũng hồi hộp như chính những tay bơi.

Trên chiếc trải, ngoài những tay chèo mình trần đóng khố, ba người đàn anh cầm trịch, đánh trống và giữ bánh lái, người nào cũng khăn áo đóng áo dài, thắt lưng đỏ buộc múi sang bên, trông có vẻ ung dung bình tĩnh và rất tự tin.

Các chiếc trải khởi hành ở trước cửa đình làng và bơi cho tới ngã ba sông nhánh chảy vào sông lô. Theo lời truyền tụng đây là dân làng diễn lại tích đức Thổ Lệnh đại vương, tiễn đức tản viên khi xưa, lúc đức Tản Viên tới thăm ngài ra về.

Chiếc trải về tới đình trước nhất sẽ được giải thưởng và làm lễ đốt mừng bánh pháo.

Dân làng Bạch hạc giải thích cuộc bơi trải căn cứ trên một sự tích huyền bí: Đức Thổ lệnh tiễn đưa đức tản viên, nhưng trên thực tế, dân ta cần luôn luôn tập luyện cho quen sông nước, và đã hơn một lần chúng ta thắng giặc trên mặt sông! Bạch Đằng Giang còn đó, Chương Dương độ còn kia, và cả trận sông Lô năm 1947, khi toàn dân kháng chiến đã khiến gần ba nghìn quân Pháp vong thân trôi theo dòng nước!

Gặp những năm dân làng làm ăn thịnh vượng, mùa màng được, nhân dịp hội tháng ba, dân làng tổ chức cờ người thay cho cờ bỏi, cờ người cũng chơi như cờ bỏi chỉ khác quân cờ thay vì những biển cờ có khắc chữ, là những nam nữ thanh niên mặc quần áo có thêu chữ mang tên những quân cờ, chữ thêu ở trước ngực và ở sau lưng người đóng quân cờ. Cũng có nơi, quân cờ mặc quần áo như thường, nhưng có thêm chiếc biển khắc hoặc viết chữ theo bộ cờ, như vậy mỗi nước đi, nếu quân cờ di chuyển phải mang theo chiếc biển của mình. Tại mỗi vị trí của bàn cờ đều có một chiếc ghế để quân cờ ngồi.

Tại những xã lớn thịnh đạt, những nam nữ đóng quân cờ còn mang theo khí giới, và khi quân bên nọ ăn quân bên kia, quân cờ ăn sẽ múa một thế võ như hạ quân cờ bị ăn, y như trong một màn hát bội. Trên đây là mấy cổ tục đặc biệt diễn ra hàng năm tại xã Bạch Hạc trong những ngày hội. Ngoài những cổ tục trên, hội còn nhiều trò vui khác như tổ tôm điếm, đáo đĩa v.v...

Bát Tràng là một làng cổ nằm ở bờ bắc sông Hồng, nay thuộc xã Bát Tràng huyện Gia Lâm. Hơn 600 năm trước, có người họ Nguyễn từ Vĩnh Ninh (Thanh Hóa) đến đây lập nghiệp. Tiếp đó, 5 cụ họ Lê, Trần, Vương, Phạm, Nguyễn đem gia đình đến vùng 72 gò đất trắng lập phường sản xuất gốm gọi là Bạch Thổ phường. Trải theo năm tháng, nghề gốm ngày càng phát đạt và những người ở Bồ Bát (Ninh Bình) kéo ra ngày càng đông.

Vào thời cuối Lê, làng Bát Tràng đã có 20 họ. Cùng với sản xuất gốm sứ, làm ruộng, buôn bán, việc học ở làng cũng được người dân hết sức coi trọng. Trong hơn 5 thế kỷ, dưới thời học chữ Nho, Bát Tràng có 364 người đỗ đạt, trong đó có Trạng nguyên Giáp Hải (1506-1586), 8 người đậu tiến sĩ cùng nhiều quan võ.

Ban đầu, làng chỉ có một ngôi miếu nhỏ làm bằng tranh tre ở ngoài bãi sông. Năm 1720, đình được làm với quy mô lớn. Đình xây kiểu chữ nhị, phía trong là tòa hậu cung 3 gian; phía ngoài là tòa đại bái 5 gian 2 chái. Cột đình bằng gỗ lim người ôm không hết vòng tay. Gian giữa thấp bày hương án. Các gian bên đều lát gỗ thành bục cao. Mặt đình hướng ra sông Hồng. Trong kháng chiến, đình đã bị bom Mỹ phá hủy. Năm 1993, dân làng đã góp tiền của dựng lại đình theo kiến trúc truyền thống. Tại đình còn giữ được một số đồ tế khí như ngai thờ, bát bửu, chuông đồng, kiệu bát cống, hai biển gỗ tạo vào thời Minh Mạng, cùng nhiều hoành phi, câu đối cỡ lớn, mỗi chữ có thể coi là một tác phẩm thư pháp độc đáo. Đình Bát Tràng còn giữ được 50 đạo sắc phong thần có niên đại thời Lê, thời Tây Sơn, thời Nguyễn.

Bát Tràng là một điểm tụ cư, vì thế ngoài Thành hoàng bản địa, nhân dân nơi khác đến cũng rước thành hoàng cũ của mình đến thờ. Đó là thần Bạch Mã Đại vương; Trang Thuận Nghi Dung; Phan Đại tướng…

Trước đây, Bát Tràng vào đám từ ngày 15 đến ngày 22 tháng hai âm lịch. Trước Tết, vào ngày 25 tháng Chạp, làng đem lễ vật đến làng Đuốc (làng kết chạ với Bát Tràng) xin chặt tre làm cây nêu. Ngày 7 tháng Giêng làm lễ hạ nêu. Cây tre làm nêu được dùng để chẻ tăm, vót đũa. Trước khi vào đám độ 10 ngày, làng tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng để bao sái bài vị thần ở ngôi miếu bên sông. Sau đó dân làng rước bài vị thần ra đình tế lễ. Khi tế, các họ được rước Tổ của mình ra phối hưởng. Họ Nguyễn Ninh Tràng (họ đầu tiên đến làng Bát Tràng) được rước bát hương có lọng che vàng đi ở giữa. Các họ khác rước bát hương có lọng che xanh đi né sang hai bên. Khi tế, chỉ có các vị khoa mục (những người đỗ đạt) mới được vào đình, còn các hào mục (những chức dịch trong làng) đứng ngoài hầu lễ. Bát Tràng còn lệ giữ nghiêm ngôi thứ. Tại đình trải 4 chiếu cạp điều. Có chiếu dành cho các vị đậu tiến sĩ, có chiếu dành cho võ quan được phong tước công, có chiếu dành cho các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên. Có năm không đủ người, chiếu nào trống thì làng đặt một cây đèn, chai rượu, đĩa trầu cau vào giữa chiếu để thờ vọng. Hằng năm vào ngày Rằm tháng hai, ngày đầu tiên vào đám, làng biện lễ cúng Thành hoàng gồm một con trâu tơ thật béo, thui vàng rồi đặt lên một chiếc bàn lớn sơn son, kèm theo 6 mâm cỗ và 4 mâm xôi. Tế xong, các quan viên chức sắc, đại diện 20 dòng họ cùng thụ lộc.

Hội Bát Tràng có nhiều trò diễn, độc đáo nhất là trò chơi cờ người và hát thờ. Theo lệ, trước hội, làng chọn lấy 2 bà tướng cờ là những người phẩm hạnh, giàu có nhất trong làng. Mỗi bà tướng nhận 16 thiếu nữ tuổi từ 10 đến 15 xinh đẹp, nết na nuôi ăn uống và may cho áo quần thật đẹp. Các cô được rèn tập làm quân cờ trong một tháng mới được ra biểu diễn thi đấu ở sân đình.

Công việc chuẩn bị cho hát thờ cũng công phu không kém. Làng tổ chức 3 chầu thi và 4 chầu cầm để chọn bài và người vào hát thờ, sau đó mời các đội đàn hát ở các làng xung quanh đến tập để kén giọng. Đội nào vượt lên nhất qua “4 chầu cầm” sẽ được hát thờ trong lễ hội năm đó.

Hội làng năm Giáp Thân diễn ra trong 2 ngày 15 và 16 tháng hai âm lịch. Cùng với nghi lễ rước nước, tế lễ và các trò chơi dân gian, làng nghề sẽ trưng bày những sản phẩm gốm đặc sắc nhất của mình tại “Chợ gốm Bát Tràng” nằm ở vị trí trung tâm của làng.

Trò chơi của con gái. Số người chơi 2-5 người. Đồ chơi gồm có 10 que nhỏ và một quả tròn nặng (quả cà). Cầm quả cà ở tay phải tung lên không trung và nhặt từng que. Lặp lại cho đến khi quả cà rơi xuống đất là mất lượt. Chơi từ bàn 1 (lấy một que một lần tung cà) bàn 2 (lấy hai que một lần) cho đến 10, vừa nhặt quả chuyền vừa hát những câu thơ phù hợp với từng bàn. Một mốt, một mai, con trai, con hến,… Đôi tôi, đôi chị… Ba lá đa, ba lá đề v.v. Hết bàn mười thì chuyền bằng hai tay: chuyền một vòng, hai vòng hoặc ba vòng và hát: “Đầu quạ, quá giang, sang sông, trồng cây, ăn quả, nhả hột…” khoảng 10 lần là hết một bàn chuyền, đi liền mấy ván sau và tính điểm được thua theo ván.

Tùm nụ, tùm nịu
Tay tí, tay tiên
Ðồng tiền, chiếc đũa
Hột lúa ba bông
ăn trộm, ăn cắp trứng gà
Bù xa, bù xít

Con rắn, con rít trên trời
Ai mời mày xuống?
Bỏ ruộng ai coi?
Bỏ voi ai giữ?
Bỏ chữ ai đọc
.................

Ðánh trống nhà rông
Tay nào có?
Tay nào không?
Hổng ông thì bà
Trái mít rụng
...................

Căn cứ vào hai câu "Tay nào có? Tay nào không?", đây là một trò đố: nắm một vật vào đó trong một tay và chìa hai nắm tay. Mở tay ra: đúng sai, có không....biết liền!

Ðám trẻ ngồi thành hàng ngang, duỗi hai chân ra trước. Một đứa ngồi đối diện, lấy tay đập vào từng bàn chan theo nhịp từng từ một của bài hát trên. Dứt bài, từ "rụt" đúng vào chân em nào thì phải rụt nhanh. Nếu bị tay của cái đập vào chân thì em đó thua cuộc: ra làm cái ván chơi kế tiếp, hoặc chịu hình phạt (nhảy lò cò một vòng, trồng chuối...) hay phải đứng ra làm cái cho một trò chơi khác (bịt mắt bắt dê, ú tìm, cá sấu lên bờ...)

Nu na nu nống
Cái cóng nằm trong
Cái ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Bụt ngồi bụt khóc

Con cóc nhảy ra
Ông già ú ụ
Bà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tè he chân rụt

Bài đồng dao này phổ biến khắp Bắc, Trung, Nam nhại theo âm trống tầm vông / tâm vinh (gọi theo Nghệ An) tức trống cơm:




Tập tầm vông
chị lấy chồng
em ở góa
chị ăn cá
em mút xương
chị nằm giường
em nằm đất
chị hút mật
em liếm ve
chị ăn chè
em liếm bát
chị coi hát
em vỗ tay
chị ăn mày
em xách bị
chị xe chỉ
em xỏ tiền
chị đi thuyền
em đi bộ
chị kéo gỗ
em lợp nhà
chị trồng cà
em trồng bí
chị tuổi Tý
em tuổi Thân
chị tuổi Dần
em tuổi Mẹo
chị kéo kẹo
em đòi ăn
chị lăng xăng
em ních hết
chị đánh chết
em la làng
chị đào hang
em chui trốn.


Cách chơi hiện nay của trò này là hai nguời chơi ngồi đối mặt nhau, vừa hát vừa theo nhịp đập lòng bàn tay vào nhau: hoặc đập thẳng, hoặc đập chéo, hoặc một cao một hạ thấp, hoặc kết hoẹp nhiều cách khác nhau. Nói chung, cách chơi rất giống trò Thìa la thìa lảy đây.

Xã Phú Sơn, Hà Tĩnh cử hành hội mùa xuân tại chùa xã ngày 14 và ngày rằm tháng giêng. Khi trong chùa đang lễ Phật, ngoài sân trai chưa vợ, gái chưa chồng tụ họp nhau dự trò chơi ném cầu để "bói" hôn nhân. Hai quả cầu dùng để ném vào lồng tre là hai quả chanh ngoài có lớp vỏ bện bằng mây bọc quanh: sơn màu xanh gọi là âm cầu và sơn màu đỏ trắng gọi là dương cầu. Trai và gái chia làm hai bên, mỗi bên có người cầm đầu. Hai bên hẹn ước với nhau rằng: "Trong hai nhóm chúng ta, hễ ai đã kết hôn mà ném được quả cầu vào trong lồng thì chỉ được thưởng; còn cặp nào chưa kết hôn mà ném trúng thì không những được thưởng mà còn hẹn sẽ cưới nhau. Nếu ai sai lời sẽ có Phật trời chứng giám". Giao hẹn xong, mấy cặp bắt đầu trò chơi. Trước khi ném cầu, trai gai lần lượt hát:

Cầu này là cầu thiên duyên
Ðôi ta mà trúng, kết nguyền cùng nhau


Trò vui kéo dài từ sáng đến chiều. Tuy là trò chơi nhưng mỗi lần một cặp trai gái có tình ý mà cùng ném trúng đều hứa hôn với nhau.

Tục kéo co ở mỗi nơi có những lối chơi khác nhau, nhưng bao giờ số người chơi cũng chia làm hai phe, mỗi phe cùng dùng sức mạnh để kéo cho được bên kia ngã về phía mình. Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ. Trong trường hợp bên nam bên nữ, dân làng thường chọn những trai gái chưa vợ chưa chồng.

Một cột trụ để ở giữa sân chơi, có dây thừng buộc dài hay dây song, dây tre hoặc cây tre, thường dài khoảng 20m căng đều ra hai phía, hai bên xúm nhau nắm lấy dây thừng để kéo. Một vị chức sắc hay bô lão cầm trịch ra hiệu lệnh. Hai bên ra sức kéo, sao cho cột trụ kéo về bên mình là thắng. Bên ngoài dân làng cổ vũ hai bên bằng tiếng "dô ta", "cố lên".

Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Ðang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào thắng liền ba keo là bên ấy được.

Trong các ngày hội, các làng thôn thường trồng một vài cây đu ở giữa thửa ruộng gần đình để trai gái lên đu với nhau.

Cây đu được trồng bởi bốn, sáu hay tám cây tre dài vững chắc để chịu đựng được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính. Hai cây tre làm cần đu nhỏ vừa tay cầm.

Lên đu có thể là một hay hai người. Càng nhún mạnh, đu càng lên cao, cần đu đưa lên vun vút, bên nọ sang bên kia. Cần đu lên ngang với ngọn đu là hay nhất, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Nhiều nơi treo giải thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải.

Nhún đu cũng là một sinh hoạt giao đãi tình cảm của trai gái.

Một chút trứng gà cho món miến xào giúp món ăn không bị khô mà còn thơm và thích hợp cho mọi thành viên trong gia đình.

Nguyên liệu: 500 g thịt cua bể, một củ hành tây, một củ cà rốt, 300 g miến khô, 2 quả trứng gà, một muỗng canh hành khô phi vàng, hành, rau răm, xắt ngắn, dầu ăn, hạt nêm, n­ước mắm, tiêu, đư­ờng.

Cách làm món miến xào cua bể:

* Miến ngâm nư­ớc lạnh cho mềm, vớt ra, để ráo, xắt ngắn. Cà rốt gọt vỏ, xắt sợi. Hành tây lột vỏ, xắt lát mỏng. Đập trứng gà ra tô, đánh bông.

* Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành khô, cho thịt cua vào xào, nêm nư­ớc mắm, đường vừa miệng, xào săn, rắc tiêu, cho ra đĩa.

* Thêm dầu ăn vào chảo, cho miến vào xào, vừa đảo vừa từ từ rót trứng vào sao cho trứng quyện đều vào miến, cho cà rốt, hành tây, hạt nêm vừa miệng vào xào săn. Trư­ớc khi tắt bếp cho thịt cua trở lại, rắc hành, rau răm, bày ra đĩa. Ăn kèm với nước t­ương.

Nguyên liệu: Móng giò: 2 cái, lạc: 200 g, gừng: một nhánh, hành mùi, bột canh.

Cách làm:

* Móng giò heo rửa nước lạnh rồi nhúng qua nước sôi cạo sạch lại, đem chặt miếng vừa ăn.

* Lạc ngâm vào nước 30 phút trước khi nấu.

* Đặt nồi lên bếp, cho hết chỗ móng giò vào nồi, cho lạc, gừng thái lát vào, thêm nước ngập nguyên liệu. Nêm 2 thìa bột canh.

* Đậy vung đun sôi rồi nhỏ lửa hầm trong 30 – 45 phút đến khi móng giò chín mềm, lạc bở là được. Nêm nếm lại canh cho vừa ăn, trước khi tắt bếp cho hành mùi thái nhỏ. Tô canh nóng sốt hấp dẫn cho bạn cảm giác ấm áp và ngon miệng.

* Móng giò giàu dinh dưỡng có tác dụng bổ huyết, nhiều sắt và vitamin A, B. Ăn móng giò còn giảm suy nhược thần kinh, cho bạn giấc ngủ ngon . Ngoài ra, chất keo trong móng giò còn giúp các tế bào da không bị khô nhăn nhờ đó da luôn căng bóng.

Món cuốn thể hiện nét tính cách đặc trưng của người phương Nam: thái độ cởi mở và khả năng dung nạp cao. Ở Sài Gòn, rất dễ tìm thấy một hàng ăn có món cuốn, bởi đây cũng là món ăn ưa thích của dân Sài thành.

Các cô cậu học sinh tan học ghé vào một hàng bò bía, chụm đầu bên những cuốn bò bía xinh xinh. Chỉ một phần tư cái bánh tráng mỏng, trải ra trên một cái khay rộng, xếp lên lá rau diếp vài lá rau húng quế, húng cây, một gắp củ sắn xào, vài con tép riu xào đỏ thắm, một miếng lạp xưởng cuốn lại, chấm với tương ngọt điểm chút cay cay của tương ớt, cuốn nọ tiếp theo cuốn kia cứ kéo dài cùng với những tiếng cười râm ran vui vẻ.

Đi trong lòng chợ, dễ dàng gặp một hàng gỏi cuốn. Chiếc cuốn trắng tinh, con tôm đỏ thắm với cọng hẹ ló ra ngộ nghĩnh. Cơm tấm bì dân dã, nhưng bì cuốn lại là một món cuốn ngon của người Sài Gòn. Ngày Tết, làm vài đòn bì cho vào tủ, khách đến nhà, cắt từng khoanh dọn ra dĩa, kèm củ kiệu, đồ chua, dưa leo, rau sống, bánh tráng, miếng bì cuốn chấm vào chén nước mắm chua ngọt có đủ mùi vị thơm ngon, lạ miệng. Một món bánh mà âm thanh khi chế biến đã trở thành tên gọi: bánh xèo. Muốn ăn đúng điệu, phải cuốn bánh trong một lá cải cay, kèm với một ít rau thơm đủ loại, chấm nước mắm chua ngọt pha thật sánh, miếng bánh cứ lịm đi trong miệng.

Ghé nhà một người Sài Gòn và được mời ăn bữa cơm đơn giản với mắm lóc chưng thịt, thịt kho nước dừa, bạn sẽ thấy chủ nhà dọn kèm với một đĩa rau sống đủ loại, dưa leo, chuối chát, khế chua và một đĩa bánh tráng. Cho một ít rau các loại vào miếng bánh tráng đã ủ lá chuối thật dẻo, rồi thêm một miếng dưa leo, một lát chuối chát, một miếng khế chua, rồi gắp một ít mắm lóc chưng thơm phức, cuốn lại, cắn thử một miếng, nhai chầm chậm. Đây là vị mặn, béo của miếng mắm chưng, vị chua của khế, chát của chuối, thơm của các loại rau thơm, tất cả hòa thành một miếng cuốn ngon vô cùng. Thịt kho nước dừa kèm một ít bún tươi, một vài củ kiệu và một gắp dưa giá, chấm với nước thịt kho. Cái béo ngậy của thịt chín nhừ, cái bùi bùi của miếng trứng kho, vị chua dìu dịu của dưa giá muối xổi hòa với cái hương vị hăng hãng của củ kiệu, thật khó chối từ...

Ngày giỗ, nhà có món thịt quay béo ngậy, dọn kèm với bánh hỏi rau sống, thế là dùng ngay rau xà lách, miếng bánh hỏi đã phết mỡ hành, kèm miếng thịt quay, chấm nước mắm chua ngọt. Một món cá hấp hay cá nướng cuốn bánh tráng, rau sống, chấm với nước mắm me là đủ tạo nên không khí ấm cúng rất gia đình. Cánh đàn ông chỉ cần một con cá vài trăm gram, chiên xù vẩy lên, dòn tan, vài cái bánh tráng với chén nước mắm me, thậm chí một miếng xoài xanh và vài lá rau cũng thành một bữa cuốn thú vị đủ để lai rai.

Sài Gòn còn nhiều món cuốn nữa, và lối ăn này đã trở thành một nét văn hóa ẩm thực đặc thù của người Nam Bộ.

Lịch sử của hơn ba trăm năm mở đất của vùng đất Nam Bộ đã gắn liền mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao thế hệ, những công dân Việt Nam ở mọi miền đất nước, của các cộng đồng dân tộc anh em đã sinh trưởng ở nơi đây ... đã sống, chiến đấu, chung lưng đấu cật cho sự màu mỡ của vùng đất phương Nam. Đất phương Nam – nơi mà những con sông như còn soi bóng dáng của người anh hùng với chiến công lừng lẫy, đã đốt cháy tàu giặc Pháp năm 1861. Cái đẹp diệu kỳ ở đây là những di tích bên ngoài không lộng lẫy, hoàng tráng, mà vẫn ôm ấp trong lòng biết bao huyền tích về mảnh đất phương Nam. Người anh hùng mà Trường ta được vinh dự mang tên : Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực sinh năm Mậu Tuất (1838) người phủ Tân An, ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, lúc nhỏ tên là Chơn, đến năm Kỷ Mùi (1859) đổi tên là Đội Lịch, tới năm Tân Dậu (1861) người ta gọi là Quản Lịch, sau đó đốt tàu Espérance, Quản Lịch đổi tên là Nguyễn Trung Trực, tên này được gọi từ năm 1862 cho đến khi Người mất (1868).

Năm 1868 khi thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, thực dân thì tham tàn, triều đình Huế thì bất lực, một làn sóng căm hờn nổi dậy, lôi cuốn bao nhiêu sĩ phu, dân chúng của miền đất phương Nam khởi nghĩa - Với Trương Công Định, khởi nghĩa đuổi quân Pháp ra khỏi Gò Công (1862), Thủ Khoa Huân đánh phá Pháp vùng Mỹ Tho (1863), Võ Duy Dương dấy binh vùng Đồng Tháp Mười (1866) ...

Trong hàng lãnh tụ nghĩa quân, người dân đất phương Nam nầy rất trân trọng ông Nguyễn Trung Trực, vị anh hùng trung, hiếu, tiết nghĩa vẹn toàn, mọi người kính trọng ông ở điểm ông tuy thuộc thành phần bình dân (ông làm ruộng và đánh cá), nhưng tấm lòng vị quốc, vị dân không thua một ai trong thời của ông. Những chiến công rạng rỡ, tấm gương chiến đấu dũng cảm của Người là những tia hồi quang của một thời kỳ lịch sử rực rỡ đã qua mà vị ngọt vẫn còn đọng mãi trong tâm hồn của nhiều thế hệ trẻ.
Chiến công đầu tiên của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là đốt phá tàu Espérance của Pháp.

Ngày 11/12/1861, tàu Espérance hạ neo ở bến Nhật Tảo gần Sài Gòn nhưng thuộc tỉnh Tân An, khi đó chỉ huy tàu là trung tướng Parfait.

Nguyễn Trung Trực đã khéo bày một kế hoạch đánh phá chiến hạm Espérance rất hay. Ông tổ chức một đám cưới dùng thuyền đi trên sông, trong đó có chú rể cô dâu, họ hàng già trẻ đủ mặt và cả lễ vật. Lúc nầy thuyền binh của Pháp đóng ở sông Nhật Tảo có lệ khám xét các thuyền của ta qua lại và phải trình thẻ bài do chính Pháp cấp.

Khi thuyền cưới tới gần thuyền của Pháp, một người vờ lên trình thẻ bài, quân Pháp không ngờ, tức thì ông Nguyễn cùng nhóm thủ hạ nhảy lên theo đánh chém lung tung, cùng lúc đó nhiều thuyền chở rơm và bổi của nghĩa quân cũng vừa ào tới nổi lửa lên đốt tàu Pháp, quân Pháp vì không đề phòng nên bị chém chết và bị thương vô số, trong chớp nhoáng tàu Pháp cháy to và nghĩa quân đều lội lên bờ tẩu thoát.

Giặc kêu la ầm ỉ, lửa bốc ngút trời, máy tàu nổ tan tành. Kết quả 17 tên Pháp thiệt mạng cùng 20 tên lính tập cũng chết theo. Tàu chìm còn trơ cái sườn sắt, ngập một nửa dưới nước. Xong chiến công oanh liệt, nghĩa quân đã rút về Cà Mau, quân Pháp cho quân đội lùng khắp, nhưng ông Nguyễn cùng các nghĩa quân đã biệt dạng từ bao giờ.
Ngoài chiến công ở sông Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực còn tổ chức tấn công địch tại Vàm Răng, đánh chiếm thành Kiên Giang, quân Pháp hoảng hốt chạy ra ngoài đã bị nghĩa quân và dân chúng chém giết, cuộc xáp chiến này từ Cô Tô sang núi Tượng.

Biết Nguyễn Trung Trực là người rất có hiếu, Pháp dùng thủ đoạn bắt giữ thân mẫu của Người và một số đồng bào trong vùng, rồi ra lệnh nếu Nguyễn Trung Trực không ra hàng sẽ đem những người này ra chém đầu. Nhận thấy việc kháng Pháp không thể kéo dài thêm nữa, vả lại cần cứu sống hàng trăm nhân mạng, Nguyễn Trung Trực cam đành giải tán nghĩa quân rồi tự mình ra nạp mạng cho Pháp.

Quân Pháp bắt được Ông vô cùng mừng rỡ, lập tức đưa về Sài Gòn để soái phủ Nam kỳ định đoạt.

Thấy Người trung hiếu, khẳng khái, Pháp không nở giết và dụ qui thuận, hứa nếu ông nhận lời sẽ cho làm chức phó soái.

Ông nói : “Tụi bây hãy kiếm cho tao cái chức gì giết Tây được thì tao làm, chớ chức phó soái tao không màng”.

Khuyến dụ hết sức không được, người Pháp buộc lòng phải hạ lệnh trảm quyết Ông.
Ohier ra lệnh chở ông Trực về Rạch Giá, ông Nguyễn Trung Trực bị đem hành quyết tại Rạch Giá ngày 27/10/1868 (tức ngày 28/08 Âm lịch). Trước giờ hành hình, ông Nguyễn có một bài thơ tuyệt mệnh như sau :

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Báo hận thâm cừu bất đái thiên.
Thi sĩ Đông Hồ đã dịch :
Theo việc binh nhung thuở trẻ trai
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài
Anh hùng gặp phải hồi không đất
Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Để ca ngợi công nghiệp lẫy lừng của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân lục tỉnh đều thuộc lòng câu :

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.


Thật là lửa Nhật Tảo thiêu đốt phường cướp nước ngập cả đất trời, kiếm Kiên Giang vung lên làm cho quỷ sợ thần kinh.

Mãi mãi ngàn đời sau tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vẫn chói lòa trong Quốc sử.

Để giúp cho blog của mình thêm độc đáo, các bạn có thể thêm hình ảnh bên cạnh tiêu đề bài đăng như hình dưới:



Thủ thuật rất đơn giản:

Bước 1: Tìm một hình có kích thước khoảng 100 x 100 pixels, upload lên một host để lấy link. Link có dạng:

"http://i117.photobucket.com/albums/o70/Babothanlong/icon1.gif"


Bước 2: Đăng nhập vào tài khoản blogger, click Edit HTML, nhớ chọn Mở rộng mẫu tiện ích, tìm đến dòng:

<a expr:href='data:post.url'><data:post.title/></a>


Thêm code hình ảnh của bạn có dạng:

<a expr:href='data:post.url'> <img src="http://i117.photobucket.com/albums/o70/Babothanlong/icon1.gif"/> &#160; <data:post.title/></a>

Nhớ thay link màu đỏ bằng link hình của bạn

Lưu template là OK!