Đối với môn Tiếng Anh, học sinh cần nắm vững kiến thức căn bản như cách dùng các thì, sự hòa hợp giữa các thì, thụ động cách, câu gián tiếp, mệnh đề tính từ, mệnh đề danh từ, mệnh đề trạng từ... Trong trường hợp các em mất căn bản, nên nhờ sinh viên hoặc giáo viên có kinh nghiệm kèm riêng để bổ sung ngay kiến thức.

Bên cạnh đó, thường xuyên làm bài tập để ôn luyện các kiến thức là cách để nhớ sâu. Nếu là bài tập dạng trắc nghiệm, các em phải tự lý giải cho việc chọn lựa các câu trả lời của mình. Tránh tình trạng chọn câu trả lời một cách hú họa, vừa mất thời gian, vừa không hiệu quả. Ghi chú câu hỏi thuộc các phần văn phạm không biết, không hiểu rõ để nhờ bạn hoặc thầy cô hỗ trợ. Việc làm này sẽ giúp các em nhớ từ vựng, giới từ và các điểm văn phạm đã học.

Ngoài ra, các em sưu tầm các đề thi học kỳ, tốt nghiệp THPT và ĐH - CĐ của các năm học trước để nắm vững dạng đề thi. Trong lúc làm các đề thi này, các em nên tự canh giờ, làm bài nghiêm túc như khi đi thi. Sau đó so kết quả làm bài với đáp án, tự chấm bài, ghi chú những phần lỗi sai để xem lại hoặc nhờ bạn bè, thầy cô giải thích.

Đặc biệt, học sinh nên đọc thêm các bài đọc có nội dung liên quan với các bài khóa. Cụ thể: Đối với thi tốt nghiệp THPT là các đề tài trong sách giáo khoa lớp 12, đối với thi đại học là các đề tài trong sách giáo khoa THPT để mở rộng kiến thức, vốn từ, củng cố văn phạm và rèn kỹ năng đọc hiểu. Vì đề thi nào cũng có phần đọc hiểu gồm 5 hoặc 10 câu chiếm từ 1 đến 1,5 điểm. Để tăng cường về kỹ năng này, học sinh có thể tham khảo chiến lược làm bài đọc hiểu trong các sách luyện thi TOEFL hoặc IELTS.

Thông thường khi làm bài thi, học sinh hay mắc sai về giới từ đặc biệt là các giới từ cực kỳ quen thuộc như: on Monday, On 2th September, leave London, leave for London... Tiếp theo là sai về cấu trúc câu đơn giản như there is, there are, sự hòa hợp giữa các thì, sự hòa hợp giữa chủ từ và động từ, cách dùng động từ khiếm khuyết... Về phân chia thời lượng làm bài, các em hay dừng quá lâu ở mỗi câu, mất nhiều thời gian cho phần đầu của đề thi (trắc nghiệm) và không đủ thời gian làm các câu hỏi phần sau (đôi khi dễ hơn). Như vậy các em bị mất điểm sẽ rất uổng.
Tóm lại, vì là môn thi bằng hình thức trắc nghiệm khách quan nên các em không nên học tủ.

Tốt nhất là thường xuyên làm các bài thi thử và canh giờ, trung bình phút cho một câu hỏi. Nếu đã hết một phút mà các em vẫn chưa chọn được câu trả lời, các em nên đánh dấu câu hỏi đó, làm sang câu kế tiếp. Khi làm xong bài sẽ quay lại các câu đã đánh dấu. Trường hợp không đủ giờ để suy nghĩ cho các câu khó, các em nên chọn theo trực giác - một "chiêu" rất quen thuộc khi làm bài trắc nghiệm.

Categories:

Leave a Reply