Trong chúng ta ai cũng đã từng ít nhất hơn một lần nghe đến từ “chuyên nghiệp”, và đó như là một điều kiện tất yếu để hội nhập nền kinh tế quốc tế hoá. Vậy “chuyên nghiệp” là gì? Các nhân viên nói gì về sự chuyên nghiệp?

“Theo tôi sự chuyên nghiệp là làm việc phải có kế hoạch, mọi thành viên được phân công nhiệm vụ cụ thể, làm việc phải nhanh và chính xác” (NTT - NVVP).

“Chuyên nghiệp thể hiện sụ chuyên môn hoá, mọi cơ chế và hệ thống quản lý, tác nghiệp được cụ thể hoá một cách rõ ràng. Đồng thời sự chuyên nghiệp còn thế hiện thông qua việc áp dụng nhiều tiến bộ của khoa học công nghệ và trong công việc. Ngoài ra người chuyên nghiệp còn là người có tinh thần trách nhiệm” (ĐTTH - NV ISO).

“Chuyên nghiệp có nghĩa là chuyên môn hóa trong công việc và hiện đại hoá môi trường làm việc” (VTMĐ - NVPR).

“Lúc khác hỏi nhé, bận lắm, bận lắm” (NTMH - KT - Nhân vật này có vẻ chuyên nghiệp lắm đây … hi hi!).

“Chuyên nghiệp là làm việc có kế hoạch, có định hướng rõ ràng và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn” (KTTB - KTT).

“Người chuyên nghiệp là người tôn trọng tính kỷ luật, mọi công việc phải có kế hoạch và hoàn thành theo đúng kế hoạch” (LTTH - P.PHC).

Về khía cạnh ngôn ngữ thì sao?

Chuyên nghiệp: về mặt danh từ chuyên nghiệp chỉ loại hình nghề nghiệp ví dụ: Trung học chuyên nghiệp.

Về mặt tính từ hướng tới kiến thức sâu rộng có chuyên môn, có tác phong, có điểm đầu và điểm kết thúc, các công việc được tổ chức một cách có khoa học. (theo từ điển tiếng việt do NXB Khoa học xã hội xuất bản).

Như vậy, theo khía cạnh ngôn ngữ thì chuyên nghiệp là một cụm từ có ý nghĩa rất rộng, để cụ thể hoá sự chuyên nghiệp ra thành những hành động cụ thể tương ứng với mỗi vị trí công việc là cả một công trình nghiên cứu và ứng dụng. Đối với mỗi ngành ghề sẽ có những cách hiểu khác nhau, chẳng hạn sự chuyên nghiệp đối với những công việc của người bán hàng sẽ khác với sự chuyên nghiệp của những người kế toán, sự chuyên nghiệp của đội lễ tân sẽ khác so với sự chuyên nghiệp của đội ngũ bảo vệ...Do vậy để đạt đến sự chuyên nghiệp của cả một tập thể, một tập đoàn thì mỗi một vị trí công việc cần phải định rõ những hành động nào được coi là chuyên nghiệp và truyền đạt những hành động đó đến từng cá nhân để giúp họ hiểu được thế nào là sự chuyên nghiệp.

Hiện nay, theo một số kết quả nghiên cứu về sự chuyên nghiệp, các chuyên gia trên thế giới đã tổng kết được những tính cách cần có của một người làm việc chuyên nghiệp. Chúng ta hãy tìm hiểu kỹ lưỡng và xem xét xem liệu chúng ta đã có bao nhiêu trong số các tính cách của một con người làm việc chuyên nghiệp.

1. Niềm đam mê cháy bỏng muốn minh chứng một điều gì đó:

Cho dù bạn đang làm bất cứ công việc gì, tại bất cứ vị trí nào, bạn luôn có những lý do mạnh mẽ đằng sau để mong muốn hướng tới thành công. Lý do lập nghiệp của tôi là muốn chứng tỏ bản thân cho cha mẹ thấy rằng tôi hoàn toàn có đủ bản lĩnh để làm chủ cuộc đời mình. Khi tôi là sinh viên năm cuối, bố tôi đã hỏi tôi về định hướng tương lai và sau khi nghe tôi trình bay bố tôi có nói “Bố không yên tâm lắm về định hướng của con và bố sợ rằng con có nghề mà không có nghiệp”. Đó chính là cuộc nói chuyện khiến cho tôi có động cơ phấn đấu và nó đã nhen nhóm trong tôi niềm đam mê mong muốn trở thành một con người thành công, dù hiện tại có thể tôi chưa trở thành một con người thành công như cha mẹ tôi mong đợi nhưng tôi sẽ luôn cố gắng để chứng tỏ cho cha mẹ mình thấy được điều gì đó.

2. Sự quan tâm đến người khác

Nếu bạn mong muốn có được những thành công trong công việc, bạn phải thực sự quan tâm đến mọi người xung quanh và làm sao để cuộc sống của họ và bạn ngày một trở nên tốt đẹp hơn. Sẽ là không chuyên nghiệp nếu bạn không quan tâm đến người khác. Rất nhiều người nghĩ rằng thế giới này được tạo ra để phục vụ cho riêng họ và họ không để ý đến cảm giác của người khác. Người chuyên nghiệp là người biết chia sẻ thế giới này với tất cả mọi người.

3. Niềm tin và sức mạnh

Những người làm việc luôn bộc lộ một niềm tin và sức mạnh trong cách mà họ nói cũng như trong cách hành động của mình. Mọi cử chỉ dáng điệu thường toát lên vẻ lịch sự. Họ mặc những bộ quần áo trang nhã, sử dụng ngôn ngữ một cách sáng tạo.

4. Sự cảm thông

Để đạt được sự thành công bạn phải biết cân bằng giữa cái tôi cá nhân với nhu cầu cần thiết kèm theo một sự nồng ấm chân thật. Sự quan tâm chân thành tới hạnh phúc của những người mà bạn giao dịch sẽ tạo ra mối quan hệ tin tưởng qua đó cho phép bạn phục vụ không chỉ những mong đợi của bản thân mà còn của bạn bè, người thân và những người quen biết.

5. Hướng trọng tâm vào các mục tiêu

Nếu thực sự nghiêm túc với các công việc của mình, bạn cần đặt ra những mục tiêu rõ ràng và chuyển tải chúng thành các kế hoạch hành động. Bạn biết chính xác những gì bạn đang nỗ lực phấn đấu và mong đợi khi nào thì những mục tiêu đề ra được hoàn thành. Nhận thức được tương lai của mình, bạn sẽ tập trung hơn vào công việc mỗi ngày sao cho hiệu quả nhất.

6. Kiên trì và bền bỉ

Sẽ thật là không chuyên nghiệp nếu bạn bắt đầu sự nghiệp bằng cách tìm một công việc thích hợp với bạn và tỏ thái độ lơ là với những công việc mà bạn không yêu thích. Bạn cần phải hợp với công việc và làm cho mình ngày càng phù hợp hơn với chính công việc mà bạn đảm nhận. Mỗi người chuyên nghiệp luôn biết cách thể hiện sự nghiêm túc trong công việc bất luận công việc đó có được yêu thích hay không.

7. Nhiệt tình, lạc quan ngay cả trong những tình huống khó khăn nhất

Quá khứ là không thể thay đổi cũng như không thể kiểm soát được tương lai, vì vậy, bạn phải sống cho ngày hôm nay, hãy làm những điều tốt nhất có thể để mỗi ngày trôi qua là một ngày của sự hoàn thành công việc và đạt được các mục tiêu đề ra. Khi bạn đương đầu với một tình huống khó khăn có thể “bòn rút” sự nhiệt tình của bạn, thì cũng là lúc bạn cần phải chứng tỏ giá trị của chính mình. Nếu là một người có đầu óc chuyên nghiệp thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không được mất nhuệ khí. Hãy cố gắng tối đa để hoàn thành công việc của mình, để mọi người thấy rằng bạn đã trực tiếp đóng góp vào thành công của tập thể. Đừng lấy những lý do này, lý do khác để bào chữa cho việc không hoàn thành nhiệm vụ mà làm giảm giá trị của mình.

8. Làm việc với quan điểm tích cực

Hãy biết giữ vững tính tích cực trong quan điểm của mình, tránh sự đố kỵ, ngồi lê đôi mách, giận dữ và những suy nghĩ tiêu cực. Đừng cho phép sự tiêu cực lấy đi sinh lực của bạn hay cám dỗ bạn đi lệch khỏi con đường mà bạn đã lựa chọn.

9. Thấu hiểu rằng yếu tố con người đóng vai trò quan trọng hơn vật chất và tiền bạc

Những con người chuyên nghiệp luôn luôn biết quý trọng yếu tố con người. Họ thấu hiểu ý nghĩa của một câu thành ngữ cổ: Bạn phải bỏ tiền bạc ra để có được tiền bạc, và niềm tin tín ngưỡng đó chính là vấn đề con người. Họ đầu tư một cách khôn ngoan vào những điều đem lại sự tốt đẹp cho những người xung quanh họ.

10. Một sự đầu tư nghiêm túc từ trong tâm trí

Những người chuyên nghiệp là những người học hỏi suốt đời. Hãy đặt ra mục tiêu trở thành người học hỏi suốt đời, và bạn sẽ không bao giờ gặp phải những khoảnh khắc ngớ ngẩn. Hơn thế nữa, bạn sẽ có được những thành công kỳ diệu trong bất cứ điều gì mà bạn đặt ra trong tâm trí là cần phải học hỏi!

Muốn bắt đầu trở thành một con người chuyên nghiệp, thiết nghĩ trước hết chúng ta hãy rèn luyện cho mình những tính cách của một người chuyên nghiệp.

Categories:

Leave a Reply