(Dân trí) - Trời lạnh khiến cơ thể dễ chấp nhận một lượng lớn thực phẩm chế biến. Cùng với đó, việc ngại vận động khiến sự tích lũy những calo dư thừa tăng lên, làm giảm dần sự lưu thông máu của cơ thể, gây mất cân bằng dịch, dẫn tới phù nề hoặc sưng phù.Phù nề là tình trạng chất dịch gia tăng trong các mô ở ngoài mạch máu. Phù ngoại vi với đặc trưng là sưng nề ở chân và bàn chân là dạng phù nề phổ biến nhất và gây bởi sưng chân và bàn chân, là hình thức phổ biến nhất và do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Phù là một triệu chứng chứ không phải là một bệnh hay rối loạn. Nguyên nhân chủ yếu là chức năng thận kém do mắc bệnh mãn tính, bệnh tim sung huyết hoặc rối loạn chức năng gan. Các nguyên nhân khác bao gồm thay đổi nội tiết khi mang thai, thiếu tập thể dục, béo phì, đứng hoặc ngồi trong thời gian dài và quần áo bó chặt lấy người.
Ngày nay, chúng ta thấy ngày càng nhiều người muốn kéo dài tuổi trẻ bằng vẻ bề ngoài. Vậy là họ mặc quần jean, bít tất, gen bụng bó chặt. Nhưng bạn có biết rằng nó sẽ gây ức chế và giảm bớt sự lưu thông máu bình thường?
Phù ngoại vi thường thể hiện ở chân và bàn chân do tác động của trọng lực. Tuy nhiên, các bộ phận cơ thể khác cũng có thể bị sưng nề, có thể kèm thêm đau, nóng đỏ. Vì vậy, tránh mặc quần áo bó sát người, thay vào đó hãy chọn mặc quần áo thoải mái, có thể cởi bỏ dễ dàng.
Về mặt lâm sàng, có hai loại phù nề. Khi bạn nhấn vài giây vào các khu vực bị sưng và thấy vết lõm xuất hiện trong 1 khoảng thời gian nhất định thì đó là phù lõm. Phù lõm là tình trạng dịch ứ trong mô, thường do tình trạng suy tim do sung huyết hoặc bệnh thận mãn tính. Phù lõm thường ảnh hưởng đến chân, bàn chân. Còn phù không lõm xảy ra do rối loạn hệ bạch huyết (hệ bạch huyết lưu thông kém, suy tuyến giáp). Phù không lõm thường gây khó khăn cho điều trị hơn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, phù nề có thể là dấu hiệu của một số bệnh nghiêm trọng hơn. Thận có chức năng kiểm soát mức độ natri trong cơ thể bằng cách thay đổi lượng muối trong nước tiểu sao cho cơ thể luôn đảm bảo sự cân bằng về muối. Nhưng đối với những người có bệnh thận, thận của họ không thể thải natri và chất lỏng như nhu cầu nội sinh, khiến muối và chất lỏng được giữ lại, làm tăng áp suất trong mạch máu, gây phù nề. Ngoài ra, ở những người suy thận, thận không thể lọc hết các chất thải và dịch dư thừa trong máu và một trong những hậu quả là nso sẽ làm giảm lượng protein trong máu và dẫn tới sự tích tụ dịch và phù nề.
Chính việc sống trong 1 thế giới gấp gáp, luôn bận rộn với công việc, học hành, con cái, những dự án, cuộc họp, các môn thể thao…. và vậy là cả cái ăn cũng phải nhanh chóng, tiện lợi. Hậu quả là chúng ta ngày càng nạp nhiều thực phẩm nhiều muối, chất bảo quản, các chất phụ gia khác…. Đây đều là những chất không chỉ gây tăng cân, giữ nước mà còn gây ra những hệ lụy lâu dài cho sức khỏe. Do đó, một chế độ ăn uống lành mạnh và tránh những thực phẩm chế biến sẵn, nhiều muối sẽ giúp giảm phù nề và đảm bảo sức khỏe toàn cơ thể.
Cuối cùng, một giải pháp phòng ngừa và điều trị tốt nhất đối với chứng phù nề đó là tập thể dục. Bất kỳ hình thức tập thể dục nào nhưng thường xuyên đều giúp giảm phù nề, cải thiện lưu thông máu. Ngoài việc giúp điều hòa tim mạch, nó có giúp “đốt cháy” calo, giúp giảm số cân thừa. Nếu mọi giải pháp đều không mang lại kết quả thì đừng ngần ngại hỏi ý kiến bác sĩ, bạn nhé.
Categories:
Sức khỏe