Họ và tên khai sinh: Phan Ngọc Hiển, sinh năm 1910; bút danh khác: Phan Phan; quê quán: Phường Cái Khế, TP.Cần Thơ; đảng viên ĐCSVN.

Là một học sinh yêu nước - một thầy giáo - nhà báo - nhà hoạt động chính trị, Phan Ngọc Hiển trong khoảng thời gian mười năm đã làm nên những điều kỳ diệu, để đời, nổi bật hai sự kiện lớn:

Hưởng ứng Nam Kỳ khởi nghĩa, Phan Ngọc Hiển trực tiếp tổ chức, lãnh đạo đánh chiếm đảo Hòn Khoai từ tay giặc Pháp ngày 13/12/1940. Sau cuộc khởi nghĩa thắng lợi trở về đất liền, Phan Ngọc Hiển và 9 đồng đội bị thực dân Pháp bắt rồi sau đó đưa ra pháp trường xử bắn. Trước pháp trường giữa lòng thị xã Cà Mau, Phan Ngọc Hiển hiên ngang vứt mảng khăn đen trên mặt, đả đảo thực dân Pháp xâm lược, kêu gọi đồng bào tiếp tục cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, tỏ rõ khí phách của một đảng viên Đảng cộng sản (Phan Ngọc Hiển hy sinh ngày 12/7/1941 tại thị xã Cà Mau).

Phan Ngọc Hiển đã để lại nhiều công trình báo chí, văn học có giá trị, hiện đã tập hợp khoảng 70 tác phẩm thuộc thể loại báo chí, văn học trên Tuần báo Tân Tiến (một tờ báo trong vùng địch tạm chiếm), phát hành vào những năm 1936, 1937, trong đó có khoảng 20 bút ký, phóng sự, tùy bút, tiểu thuyết (Theo “Tác phẩm Phan Ngọc Hiển” do NXB Mũi Cà Mau và Hội Nhà báo tỉnh Minh Hải ấn hành năm 1996).

Trên lĩnh vực văn học, phần lớn các tác phẩm của Phan Ngọc Hiển là văn xuôi, tác phẩm đã được xuất bản: Tiểu thuyết Mương đào ổ yến; những bút ký, phóng sự, truyện ngắn: Đêm ở kinh đô Hậu Giang, Trên sông lao động, Ông Gát-đen-quan một, Đêm kỷ niệm, Thuyền ngược nước, Thằng Đại, Hồn bơ vơ, Tình quê...

Xin trích đăng truyện ngắn Hồn bơ vơ, đoạn viết về một người vợ (cô Mai) đi tìm chồng, gặp một ông già tốt bụng trên đảo Hòn Khoai, Cà Mau.

HỒN BƠ VƠ

... Mai nhìn lão già như để tìm chơn tướng. Khi nhận được lời nói nhơn từ, nghiêm chỉnh, Mai bèn trả lời mềm dịu:

- Thưa bác, có lời bác dạy bảo, mẹ con cháu mới dám đùm đậu đêm nay.

Thức tỉnh con dậy, cả ba nương ánh đèn chai về bãi.

Nhà lão già đơn sơ mà thật sạch sẽ. Lão lăng xăng dọn dẹp chỗ cho mẹ con Mai nghỉ ngơi.

- Cô ở đâu đến? Và đến đây có ý tìm ai?

Mủi lòng, động vết thương tâm, Mai đã ràn rụa nước mắt. Bấy giờ, bộn bàn người lân cận tựu đến. Mai bệu bạo:

- Cháu chẳng giấu gì bác, cách tám năm về trước, chồng cháu ra đây làm cái đường lên chót Hòn, chẳng hiểu tại sao càng ngày càng biệt, nên cháu dẫn con không ngại nhọc nhằn ra đây tìm chồng!

Lão già dòm Mai ra vẻ tội nghiệp, rồi lão kêu “Trời ơi” rất lớn, làm mọi người chưng hửng. Rồi tự nhiên lão đứng giữa nhà khóc rống lên! Cả mọi người càng ngạc nhiên, nhứt là Mai lấy làm lạ lắm. Hết khóc, lão lại bàn thờ thắp ba cây nhang, đoạn lão tiếp:

- Thôi rồi cô ơi! Còn gì! Chồng cô chắc chết rồi!

Mai rú lên tiếng “trời” thứ nhì, ôm mặt khóc mùi mẫn. Ôi! Cảnh khốn nạn! Động đến trời nên u ám, kế mưa to nước xuống xối xả như đua chảy với mấy chục hàng lệ thương tâm! Chim đêm trên rừng kêu lăng líu, tứ bề gió thổi hãi hùng như điên dại, như tức tối .. rồi trơ giọng thảnh thót như đau thương, rồi dìu dịu reo như khuyên dỗi...

(Tác phẩm Phan Ngọc Hiển – NXB Mũi Cà Mau – Hội Nhà báo tỉnh Cà Mau, năm 1996, trang 196).

Categories:

Leave a Reply