Lịch sử của hơn ba trăm năm mở đất của vùng đất Nam Bộ đã gắn liền mồ hôi, nước mắt và máu của biết bao thế hệ, những công dân Việt Nam ở mọi miền đất nước, của các cộng đồng dân tộc anh em đã sinh trưởng ở nơi đây ... đã sống, chiến đấu, chung lưng đấu cật cho sự màu mỡ của vùng đất phương Nam. Đất phương Nam – nơi mà những con sông như còn soi bóng dáng của người anh hùng với chiến công lừng lẫy, đã đốt cháy tàu giặc Pháp năm 1861. Cái đẹp diệu kỳ ở đây là những di tích bên ngoài không lộng lẫy, hoàng tráng, mà vẫn ôm ấp trong lòng biết bao huyền tích về mảnh đất phương Nam. Người anh hùng mà Trường ta được vinh dự mang tên : Nguyễn Trung Trực.

Nguyễn Trung Trực sinh năm Mậu Tuất (1838) người phủ Tân An, ông tên thật là Nguyễn Văn Lịch, lúc nhỏ tên là Chơn, đến năm Kỷ Mùi (1859) đổi tên là Đội Lịch, tới năm Tân Dậu (1861) người ta gọi là Quản Lịch, sau đó đốt tàu Espérance, Quản Lịch đổi tên là Nguyễn Trung Trực, tên này được gọi từ năm 1862 cho đến khi Người mất (1868).

Năm 1868 khi thực dân Pháp xâm lược đất nước ta, thực dân thì tham tàn, triều đình Huế thì bất lực, một làn sóng căm hờn nổi dậy, lôi cuốn bao nhiêu sĩ phu, dân chúng của miền đất phương Nam khởi nghĩa - Với Trương Công Định, khởi nghĩa đuổi quân Pháp ra khỏi Gò Công (1862), Thủ Khoa Huân đánh phá Pháp vùng Mỹ Tho (1863), Võ Duy Dương dấy binh vùng Đồng Tháp Mười (1866) ...

Trong hàng lãnh tụ nghĩa quân, người dân đất phương Nam nầy rất trân trọng ông Nguyễn Trung Trực, vị anh hùng trung, hiếu, tiết nghĩa vẹn toàn, mọi người kính trọng ông ở điểm ông tuy thuộc thành phần bình dân (ông làm ruộng và đánh cá), nhưng tấm lòng vị quốc, vị dân không thua một ai trong thời của ông. Những chiến công rạng rỡ, tấm gương chiến đấu dũng cảm của Người là những tia hồi quang của một thời kỳ lịch sử rực rỡ đã qua mà vị ngọt vẫn còn đọng mãi trong tâm hồn của nhiều thế hệ trẻ.
Chiến công đầu tiên của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực là đốt phá tàu Espérance của Pháp.

Ngày 11/12/1861, tàu Espérance hạ neo ở bến Nhật Tảo gần Sài Gòn nhưng thuộc tỉnh Tân An, khi đó chỉ huy tàu là trung tướng Parfait.

Nguyễn Trung Trực đã khéo bày một kế hoạch đánh phá chiến hạm Espérance rất hay. Ông tổ chức một đám cưới dùng thuyền đi trên sông, trong đó có chú rể cô dâu, họ hàng già trẻ đủ mặt và cả lễ vật. Lúc nầy thuyền binh của Pháp đóng ở sông Nhật Tảo có lệ khám xét các thuyền của ta qua lại và phải trình thẻ bài do chính Pháp cấp.

Khi thuyền cưới tới gần thuyền của Pháp, một người vờ lên trình thẻ bài, quân Pháp không ngờ, tức thì ông Nguyễn cùng nhóm thủ hạ nhảy lên theo đánh chém lung tung, cùng lúc đó nhiều thuyền chở rơm và bổi của nghĩa quân cũng vừa ào tới nổi lửa lên đốt tàu Pháp, quân Pháp vì không đề phòng nên bị chém chết và bị thương vô số, trong chớp nhoáng tàu Pháp cháy to và nghĩa quân đều lội lên bờ tẩu thoát.

Giặc kêu la ầm ỉ, lửa bốc ngút trời, máy tàu nổ tan tành. Kết quả 17 tên Pháp thiệt mạng cùng 20 tên lính tập cũng chết theo. Tàu chìm còn trơ cái sườn sắt, ngập một nửa dưới nước. Xong chiến công oanh liệt, nghĩa quân đã rút về Cà Mau, quân Pháp cho quân đội lùng khắp, nhưng ông Nguyễn cùng các nghĩa quân đã biệt dạng từ bao giờ.
Ngoài chiến công ở sông Nhật Tảo, Nguyễn Trung Trực còn tổ chức tấn công địch tại Vàm Răng, đánh chiếm thành Kiên Giang, quân Pháp hoảng hốt chạy ra ngoài đã bị nghĩa quân và dân chúng chém giết, cuộc xáp chiến này từ Cô Tô sang núi Tượng.

Biết Nguyễn Trung Trực là người rất có hiếu, Pháp dùng thủ đoạn bắt giữ thân mẫu của Người và một số đồng bào trong vùng, rồi ra lệnh nếu Nguyễn Trung Trực không ra hàng sẽ đem những người này ra chém đầu. Nhận thấy việc kháng Pháp không thể kéo dài thêm nữa, vả lại cần cứu sống hàng trăm nhân mạng, Nguyễn Trung Trực cam đành giải tán nghĩa quân rồi tự mình ra nạp mạng cho Pháp.

Quân Pháp bắt được Ông vô cùng mừng rỡ, lập tức đưa về Sài Gòn để soái phủ Nam kỳ định đoạt.

Thấy Người trung hiếu, khẳng khái, Pháp không nở giết và dụ qui thuận, hứa nếu ông nhận lời sẽ cho làm chức phó soái.

Ông nói : “Tụi bây hãy kiếm cho tao cái chức gì giết Tây được thì tao làm, chớ chức phó soái tao không màng”.

Khuyến dụ hết sức không được, người Pháp buộc lòng phải hạ lệnh trảm quyết Ông.
Ohier ra lệnh chở ông Trực về Rạch Giá, ông Nguyễn Trung Trực bị đem hành quyết tại Rạch Giá ngày 27/10/1868 (tức ngày 28/08 Âm lịch). Trước giờ hành hình, ông Nguyễn có một bài thơ tuyệt mệnh như sau :

Thư kiếm tùng nhung tự thiếu niên
Yêu gian đảm khí hữu long tuyền
Anh hùng nhược ngộ vô dung địa
Báo hận thâm cừu bất đái thiên.
Thi sĩ Đông Hồ đã dịch :
Theo việc binh nhung thuở trẻ trai
Phong trần hăng hái tuốt gươm mài
Anh hùng gặp phải hồi không đất
Thù hận chang chang chẳng đội trời.

Để ca ngợi công nghiệp lẫy lừng của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, người dân lục tỉnh đều thuộc lòng câu :

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.


Thật là lửa Nhật Tảo thiêu đốt phường cướp nước ngập cả đất trời, kiếm Kiên Giang vung lên làm cho quỷ sợ thần kinh.

Mãi mãi ngàn đời sau tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vẫn chói lòa trong Quốc sử.

Categories:

Leave a Reply